Dành nguồn lực tốt nhất để chăm lo cho trẻ

(VOH) - Hàng năm, tại Thành phố số trẻ mầm non tăng gần 10.000 em nên áp lực về chỗ học cho trẻ là khá lớn.

Tại Hội nghị Tổng kết đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất năm 2020" do Ban Chỉ đạo Đề án 404 Thành phố tổ chức sáng nay (12/11), Phó Chủ tịch UBND TPHCM  Dương Anh Đức yêu cầu dành nguồn lực tốt nhất để chăm lo cho trẻ.

TPHCM hiện có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đang thu hút lượng lớn lao động. Hàng năm, tại Thành phố số trẻ mầm non tăng gần 10.000 em nên áp lực về chỗ học cho trẻ là khá lớn. Cuối năm học 2019-2020, Thành phố có trên 1.300 trường mầm non, và hơn 1.700 nhóm, lớp độc lập. Riêng 10 quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất có hơn 1.100 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Tính đến cuối năm học 2019-2020, có gần 30.000 trẻ dưới 36 tháng tuổi ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó số trẻ đến trường, nhóm trẻ khoảng 9.500  trẻ, đạt tỷ lệ gần 32%.

Thời gian qua Ban chỉ đạo Đề án 404 Thành phố đã vận dụng nhiều nguồn lực, chỉ đạo 10 quận huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất rà soát trang thiết bị, khảo sát việc lắp camera cho các nhóm trẻ. Tổng số nhóm trẻ được hỗ trợ theo Đề án là 51 nhóm với tổng kinh phí là 3 tỷ đồng. Bà Lê Hoàng Quyên, Chủ nhóm trẻ Hoa mặt trời, Huyện Nhà Bè, chia sẻ việc lắp đặt camera đã giúp phụ huynh an tâm, nhà trường tự tin giới thiệu những hoạt động bài bản, sôi nổi của trẻ tại trường. "Ban đầu, do chưa quen với việc được giám sát qua camera, giáo viên áp lực và thiếu tự tin. Tuy nhiên, được sự động viên của nhà trường, cũng như những buổi đào tạo về chuyên môn, phẩm chất nhà giáo, các cô đã dần biến "áp lực" thành "động lực" cho mình, biến sự hoài nghi thành sự tin tưởng của phụ huynh. Đến thời điểm này các giáo viên đã hoàn toàn tự tin, thoải mái khi ngày ngày sinh hoạt, giảng dạy cho trẻ trước camera, với một tâm niệm rằng mình cứ làm hết sức, cố gắng hết sức trong việc nuôi dạy trẻ vì phụ huynh họ đang thấy và họ sẽ hiểu", bà Quyên cho biết thêm.

Với chỉ tiêu 40 nhóm trẻ độc lập được hỗ trợ kiện toàn, đến nay số lượng nhóm trẻ được hỗ trợ nâng chất từ Đề án là 151 nhóm, vượt 111 nhóm. Trong đó, 51 nhóm được hỗ trợ theo Đề án, 100 nhóm được hỗ trợ từ các nguồn khác. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án 404 giai đoạn 2015 – 2020 tại Thành phố là 14 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hơn 9 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn lực khác hơn 1,7 đồng và kinh phí công đoàn trên 3,2 tỷ đồng.

Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình xã hội Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đề án 404 Trung ương, cho biết Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2014 và triển khai tại 20 tỉnh thành trên cả nước. Đề án hướng đến 4 mục tiêu: có 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được kiện toàn phát triển; 80% cán bộ, giáo viên bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn được hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và đảm bảo chất lượng; 95% các bà mẹ, ông bố ở khu vực khu công nghiệp khu chế xuất được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc và phát triển trẻ. Cả nước hiện có hơn 1.100 nhóm trẻ được kiện toàn, vượt hơn 600 nhóm so với mục tiêu ban đầu, trong đó có sự đóng góp của Thành phố. Bà Thuỷ thông tin: "TPHCM đã xây dựng và ban hành đến 5 văn bản lớn, (trong đó có 2 Nghị quyết của HĐND TP, 3 Quyết định của UBND TP) tạo hành lang pháp lý cho công tác hỗ trợ chăm sóc giáo dục trẻ em dưới 36 tháng trên địa bàn; có cơ chế vận động từ nguồn xã hội hoá từ doanh nghiệp, phối hợp thực hiện. Đó là sự quan tâm rất cụ thể của lãnh đạo UBND TPHCM với nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Đề án."

Giai đoạn tới đây, việc thực hiện Đề án 404 tại Thành phố sẽ gắn với Đề án phát triển giáo dục Mầm non. Trong đó, Thành phố tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp mầm non; huy động ít nhất 35% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường. Tỷ lệ huy động trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm từ 60% trở lên. Đến 2025, có 99,5% nhóm lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định, 90% giáo viên mầm non đạt trình độ cao đẳng trở lên...

Theo Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, trước đây, thỉnh thoảng lại có trường hợp bạo lực trẻ vì người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết, nhưng  gần đây đã giảm rất nhiều về cường độ, số lượng các vụ việc. Tuy nhiên, Phó chủ tịch cho rằng không nên chủ quan. Bên cạnh việc nâng cao kỹ năng giáo viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, ông cho rằng cần nâng cao kiến thức giáo dục trẻ cho người chăm sóc trẻ tại gia đình để đảm bảo điều kiện phát triển tốt nhất cho trẻ. Ông Dương Anh Đức đề nghị: "Đây là một công tác có ý nghĩa quan trọng, bởi vì nơi thực hiện trực tiếp chăm sóc thế hệ trẻ, tạo ra nền tảng sức khoẻ, tạo môi trường sống và tư duy tích cực cho các cháu từ lúc còn rất bé. Đồng thời tạo ra sự an tâm của những người lao động tạo sự phát triển kinh tế một cách trực tiếp. Chúng ta cần ý thức rằng phải dành tất cả những nguồn lực có thể để thực hiện thật tốt công tác này."

Nhân dịp này, TPHCM đã quyết định tặng bằng khen cho 23 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2015- 2020".