Chờ...

“Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM phải đảm bảo đúng hợp đồng đã cam kết”

(VOH) - Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM giai đoạn 1 là dự án hết sức quan trọng được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm bớt ngập cho Thành phố trong tương lai trước yếu tố biến đổi khí hậu.

Sau khi nghe ý kiến các sở, ban ngành và chủ đầu tư Trung Nam BT 1574 về tiến độ dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM vào sáng 13/11, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Lệ yêu cầu các sở ngành phải khấn trương tháo gỡ kịp thời các vướn mắc để dự án triển khai đúng tiến độ và hoàn thành đúng cam kết.

Chống ngập

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nghe chủ đầu tư Trung Nam báo cáo tiến độ.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM giai đoạn 1 là dự án hết sức quan trọng được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm bớt ngập cho Thành phố trong tương lai trước yếu tố biến đổi khí hậu. Dự án có quy mô và vốn đầu tư rất lớn lên đến gần 10 ngàn tỷ đồng đi qua nhiều quận, huyện của Thành phố. Tính đến cuối tháng 10/2019 dự án thi công phần xây dựng đạt 76%, phần thiết bị cơ khí thủy công đạt 45% với tổng giá trị khoảng 5.965 tỷ đồng đạt khoảng 62,3%. Đến nay các quận, huyện đã hoàn thành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, chỉ còn duy nhất Huyện Nhà Bè do vướn các thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện Nhà Bè nói thêm về công tác này: “Vướn mắc lớn nhất là chưa phê duyệt được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Người dân Nhà Bè rất hợp tác với Chính quyền, chưa nhận tiền đã giao mặt bằng. Nhà Bè sẽ tích cực thuyết phục sớm giải quyết các tồn đọng còn lại”.

Chống ngập

 Cống Tân Thuận - một trong những cống ngăn triều đang được chủ đầu tư Trung Nam triển khai.

Bên cạnh vướn mặt bằng tại Huyện Nhà Bè thì khó khăn lớn nhất của chủ đầu tư hiện nay là việc tái cấp vốn từ ngân hàng chưa được gia hạn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ dự án trong những tháng qua. Thời gian qua chủ đầu tư Trung Nam BT 1574 đã cố gắng vận dụng nhiều biện pháp để duy trì thi công dự án và đang chờ nguồn vốn tái cấp để đẩy nhanh tiến độ.

Qua đó thì ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam BT 1574 mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các sở ngành về các thủ tục đồng thời cam kết sẽ tiếp tục triển khai dự án đúng như cam kết về chất lượng: “Cơ bản thì Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho tái cấp vốn trong 1 năm. Tuy nhiên ngân hàng đòi hỏi phải hoàn thiện thủ tục hồ sơ. Rất mong được sự hỗ trợ của các sở ngành để sớm hoàn tất thủ tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước. Về phía nhà đầu tư đề nghị Hội đồng nhân dân thông qua ngân sách 2020”.

Chống ngập

Cống Tân Thuận - 1 trong những cống ngăn triều đang được chủ đầu tư Trung Nam triển khai.

 Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố hiện các thủ tục điều chỉnh dự án cũng đã được Thành phố thông qua. Tuy nhiên để đảm bảo được giải ngân gia hạn vốn thì chủ đầu tư cũng cần làm thêm 1 số công việc cụ thể: “Để dự án được giải ngân ngoài điều chỉnh dự án được Ủy ban Thành phố duyệt thì nhà đầu tư phải ký tiếp phụ lục hợp đồng. Làm việc với ngân hàng BIDV để đảm bảo hợp đồng tín dụng cho dự án”.

 Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Lệ lưu ý các đơn vị cần phải khẩn trương làm đúng các hợp đồng đã ký và kịp thời tháo gỡ khó khăn để các dự án sớm đi hoạt động. Trong đó phải cố gắng vận dụng mọi biện pháp cùng với Huyện Nhà Bè hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư: “Với góc độ các sở, ngành các đồng chí phải quan tâm, các đơn vị được giao nhiệm vụ phải tích cực tham mưu, cùng với Nhà Bè tháo gỡ ngay. Có phương án tính toán giải quyết kinh phí triển khai dự án. Chúng ta dừng lại sẽ ràng buộc pháp lý rất nhiều với Nhà Bè”.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố nhắc lại tầm quan trọng của Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM do Trung Nam BT 1574 làm chủ đầu tư là dự án vô cùng quan trọng được chính quyền và nhân dân Thành phố rất kỳ vọng. Do đó từ việc nhỏ đến việc lớn phải đảm bảo đúng quy định về tiêu chuẩn kĩ thuật, đảm bảo đúng chất lượng, thời gian và vận hành hiệu quả khi đưa vào sử dụng.