Có hơn 300 doanh nghiệp tham dự với hơn 100 câu hỏi được các doanh nghiệp đặt ra với cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố. Nội dung thắc mắc của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: mức trần của lương bảo hiểm xã hội và lương bảo hiểm y tế có dự kiến tăng vào tháng 1/2021 không hay sẽ giữ đến tháng 7/2021 mới điều chỉnh theo lương tối thiểu vùng? Người nước ngoài khi làm việc ở Việt Namcó được hưởng bảo hiểm xã hội một lần hay không? Có thể ủy quyền cho công ty thay mặt làm thủ tục và nhận tiền một lần hay không? Trong thời gian thử việc, người lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không? Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Nguyễn Hữu Tín, giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố ( ITPC ) cho rằng Đóng bảo hiểm xã hội cũng là một trong những chi phí tính vào chi phí bán hàng hóa của các doanh nghiệp và cũng là một phần tích lũy của người lao động khi về hưu, đây cũng là yếu tố quan trọng cấu thành giá trị hàng hóa các doanh nghiệp, kích thích để tạo ra chất xám đầu tư trong sản phẩm hàng hóa. “Chúng tôi mong rằng Ban đối thoại chúng ta giải quyết phần nào thỏa đáng cho các doanh nghiệp, còn những phần nào mà chúng ta thấy cần phải có ý kiến của cấp trên hoặc nghiên cứu kỹ hơn, thì sau khi về có ý kiến nghiên cứu trả lời thì thông qua ITPC để chúng tôi kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp”, ông Tín nói.
Liên quan đến vấn đề người lao động tham gia nhiều bảo hiểm tai nạn lao động, khi bị tai nạn lao động thì cách tính tiền hỗ trợ cho người lao động sẽ như thế nào, Bà Nguyễn Thị Thiên Nga, Công ty cổ phần Applianez Việt Nam thắc mắc, đối với người lao động có nhiều hợp đồng lao động, thì công ty sẽ tham gia 0,5% tai nạn lao động đối với công ty thứ 2 trở lên phải không? Và khi người lao động bị tai nạn lao động thì cách tính tiền bảo hiểm tai nạn lao động đối với trường hợp này là như thế nào? Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh trả lời: “Vấn đề hợp đồng lao động thứ 2 trở đi thì người sử dụng lao động phải đóng 0,5% tiền lương vào quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Khi người lao động bị tai nạn lao động thì do người lao động đóng trên nhiều hợp đồng lao động nên khi giải quyết chế độ sẽ cộng tất cả tiền lương của các hợp đồng đó, nhưng mức tối đa là 20 lần lương cơ sở, để làm cơ sở tính trợ cấp tai nạn lao động cho người lao động”.
Trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều cải cách hành chính nhằm giúp người lao động cũng như doanh nghiệp dễ dàng tím hiểu, thực hiện các quy định theo Luật. Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết; “Chúng tôi mong muốn làm sao để các anh chị, ngồi tại cơ quan, đơn vị nhưng vẫn thực hiện được các giao dịch mà không phải đến cơ quan Bảo hiểm xã hội. Và hiện nay, chúng tôi cũng đang thực hiện giao dịch điện tử về chế độ Bảo hiểm xã hội, đây là thời kỳ đầu. Sắp tới, khi hệ thống ổn định chúng tôi sẽ bỏ hẳn hồ sơ giấy. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã xây dựng một ứng dụng trên thiết bị di động để người lao động cài đặt và xem được quá trình Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của mình”.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên của Tổ đối thoại, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư thành phố; góp phần thúc đầy nền kinh tế thành phố ngày càng vững mạnh hơn.