Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 11 phối hợp Công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức Hội thi trang trí và diễu hành xe đạp hoa tuyên truyền chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13, nhiệm kỳ 2022-2027.
Đây cũng là hoạt động nhằm tuyên truyền, tôn vinh hình ảnh Phụ nữ Việt Nam và phát triển du lịch trên địa bàn quận với sự tham gia của gần 200 cán bộ, hội viên phụ nữ.
Kết quả, qua phần trang trí và diễu hành, Ban tổ chức đã trao: 01 giải nhất cho đơn vị Hội LHPN Phường 16, 02 giải Nhì cho đơn vị Hội LHPN Phường 12 và Công viên Văn hóa Đầm Sen, 03 giải ba cho Hội LHPN phường 6, phường 7 và phường 10; 12 giải khuyến khích cho các đơn vị còn lại.
Hội thi không những tạo không khí chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 mà còn giúp cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn quận thể hiện sự sáng tạo trong việc trang trí xe đạp hoa, đồng thời tạo nên vẻ đẹp của Phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài khi diễu hành trên phố.
Phát động đi bộ trực tuyến “Thử thách Bước chân 2022” hỗ trợ người tự kỷ
Nhân ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2/4, tổ chức Saigon Children’s Charity đã phát động thử thách đi bộ trực tuyến mang tên “Thử thách Bước chân 2022” để nâng cao nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ trong cộng đồng, đồng thời gây quỹ cho những hoạt động hỗ trợ trẻ em tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn mà tổ chức từ thiện này đang thực hiện.
Với lần trở lại thứ tư này, “Thử thách Bước chân” kêu gọi cộng đồng tham gia thử thách đi bộ trong 10 ngày với mục tiêu tối thiểu là 42.000 bước chân, đại diện cho ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ.
Với phí tham gia 250.000 đồng, mỗi lượt đăng ký đã trực tiếp đóng góp vào các hoạt động hỗ trợ trẻ em tự kỷ của saigonchildren như tập huấn cho phụ huynh, đào tạo nhà thực hành, và can thiệp sớm miễn phí cho trẻ rối loạn tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn. Sự kiện mở đăng ký đến hết ngày 4/5/2022.
TPHCM: Thiết lập hệ thống thông tin quản lý về tệ nạn mại dâm đến năm 2025
Ủy ban nhân dân TPHCM vừa ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2022 trên địa bàn TPHCM.
Mục tiêu đề ra là 100% TP.Thủ Đức, các quận, huyện và phường, xã, thị trấn tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống mại dâm, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối với người bán dâm; cụ thể: 100% số người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội; hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Đến năm 2025, 100% các cơ sở được kiểm tra ít nhất một lần; Giúp nhóm phụ nữ bán dâm có nhu cầu tìm kiếm việc làm như: dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo cho họ thay đổi công việc.