Chờ...

Khởi đầu cho chặng đường mới để giảm nghèo bền vững tại TPHCM

(VOH) - Giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình Giảm nghèo Bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động nguồn lực thực hiện hơn 7.000 tỷ đồng.

TPHCM là một đô thị lớn đông dân nhất nước vẫn đang duy trì quá trình phát triển thông qua chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu nhằm duy trì sự ổn định trong xu thế hội nhập hiện nay.

Khởi đầu cho chặng đường mới 1
Ảnh minh họa. 

Bối cảnh như vậy đồng thời đặt ra bài toán về tình trạng di dân, tốc độ trượt giá, giải quyết công ăn việc làm và phân hóa giàu nghèo. Nói cách khác, đây chính là những thách thức dành cho chương trình Giảm nghèo Bền vững trên địa bàn Thành phố suốt thời gian qua và vẫn tiếp tục duy trì cho giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021-2025).

Nhìn lại chặng đường 5 năm 2016-2020, chương trình Giảm nghèo Bền vững của TPHCM đã huy động nguồn lực thực hiện hơn 7.000 tỷ đồng, qua đó tạo nền tảng để lực lượng làm công tác giảm nghèo Thành phố đưa tổng số hộ nghèo từ hơn 67.000 hộ (3% tổng hộ dân) vào năm 2016 xuống còn dưới 1% tổng hộ dân vào năm 2020 với một lần điều chỉnh nâng mức thu nhập.

Kết quả này một lần nữa cho thấy sự nỗ lực rất lớn cũng như quyết tâm chính trị sâu sắc của Đảng bộ – Chính quyền cùng người dân Thành phố trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Hướng tới giai đoạn 2021-2025, TPHCM luôn chủ động tiếp cận với bước đi thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng nghèo đa chiều đầu giai đoạn 2021 – 2025 tại điểm khởi đầu. Qua đó, Thành phố có cơ sở thực tế để nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm kéo giảm các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng với chỉ số thu nhập. 

Một chủ trương mang tính chiến lược nữa là việc lồng ghép kế hoạch, nhiệm vụ giảm nghèo vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thường xuyên của các ngành, các cấp, từng địa phương hàng năm cũng như của cả giai đoạn 5 năm tới.

Tại Quận 10, để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2021 - 2025, Quận tiếp tục triển khai bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 cho đối tượng thụ hưởng ngay từ đầu giai đoạn.

Bà Nguyễn Thị Quyết - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 10 – chia sẻ: "Chúng tôi tham mưu những giải pháp chủ yếu trên ba lĩnh vực. Thứ nhất là hỗ trợ việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động để tăng thu nhập. Thứ hai là hỗ trợ học nghề, giới thiệu người có nhu cầu học nghề trang bị một nghề bền vững để có việc làm ổn định. Thứ ba là căn cứ vào các chiều thiếu hụt ở chỉ số xã hội, thiếu hụt nội dung nào thì Phòng LĐTB&XH tham mưu Quận có công tác chăm lo."

Thực tế từ các giai đoạn trước chứng minh rằng việc thực hiện lồng ghép công tác giảm nghèo với tổng thể chương trình phát triển kinh tế xã hội tại từng địa phương mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tại Quận Gò Vấp, từ chủ trương này giúp Quận xây dựng nhiều giải pháp, cách làm hỗ trợ hộ nghèo rất thiết thực như vận động trao tặng phương tiện sinh kế hay mô hình “Hỗ trợ thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, xây dựng nhà tình thương và tổ chức trực tiếp chăm sóc thường xuyên hộ nghèo, giải quyết việc làm cho các con em thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Bà Đào Thị Hồng Hạnh – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Quận Gò Vấp – khẳng định: "Sự chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể đã giúp công tác giảm nghèo cơ bản được thực hiện tốt. Thứ hai là ý thức người nghèo cố gắng vươn lên trong cuộc sống, có những hộ tự động tìm việc làm, chăm chút gia đình, cho con em của họ để có cuộc sống được tốt."

Khởi đầu cho chặng đường mới 2
Giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình Giảm nghèo Bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động nguồn lực thực hiện hơn 7.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa, 

Với phương châm “trao cần câu”, Ban Chỉ đạo chương trình Giảm nghèo Bền vững Thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo từ Thành ủy, UBND Thành phố xây dựng chính sách, giải pháp theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo an tâm tổ chức sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên chứ không ỷ lại vào chính sách.

Nói cụ thể hơn, mỗi chính sách giảm nghèo từ cấp Thành phố xuống cơ sở đều có mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế và mục đích hỗ trợ hết sức rõ ràng để từng hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo phù hợp.

Ông Trần Văn Nhàn - Tổ Tự quản Giảm nghèo Khu phố 2, phường 4, quận Phú Nhuận – cho biết: "Chúng tôi có khảo sát và theo dõi để tìm mọi cách tạo điều kiện giúp đỡ như tạo công ăn việc làm, đưa đi học nghề, hỗ trợ sửa chữa nhà đối với những hộ khó khăn mà nhà cửa không được tươm tất. Trong đó vận động toàn thể xã hội, tức là vừa chính quyền, Đảng ủy, vừa chính quyền của phường và các mạnh thường quân ở khu phố, những người có thu nhập cao và có tấm lòng để cùng chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn."

Dự kiến, Chương trình Giảm nghèo Bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025 có tổng kinh phí thực hiện hơn 15.000 tỷ đồng trong đó Thành phố bổ sung mới cho giai đoạn này khoảng 7.800 tỷ đồng.

Với nền tảng nguồn lực được duy trì ổn định, công tác giảm nghèo Thành phố sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế hộ gia đình, đào tạo nghề, có công ăn việc làm ổn định thông qua các nguồn vốn vay tín dụng, chương trình dạy nghề, tư vấn việc làm…

Cách làm này luôn chứng tỏ hiệu quả ổn định qua nhiều giai đoạn, giúp hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo như gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Nga ở phường 9, quận 5 – có điều kiện tự lực vươn lên: "Phường cũng giới thiệu tôi nấu cơm ở phường đội. Các con, đứa lớn thì ban ngày đi học, đêm chạy xe ôm. Thằng nhỏ đi nghĩa vụ về thì phường giới thiệu cho đi giữ xe, thu nhập cũng ổn định.

Tôi cũng cầu mong các hộ cận nghèo như gia đình tôi sẽ tự lực vươn lên. Tôi cũng mong muốn, các con sẽ ổn định cuộc sống, gia đình ổn định cuộc sống để thoát nghèo chứ không còn phụ thuộc nữa."

Mục tiêu cụ thể Thành phố đề ra cho Chương trình Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021 – 2025 là đến cuối năm 2025, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và dưới 0,5% trên tổng số hộ dân theo chuẩn nghèo Thành phố với mức thu nhập hộ nghèo dưới 36 triệu đồng/người/năm, hộ cận nghèo từ 36 triệu đến dưới 46 triệu đồng/người/năm.

Nền tảng từ giai đoạn trước giúp Thành phố có nhiệm vụ rõ ràng là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố nhấn mạnh: "Thành phố có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt giai đoạn 2021 – 2025 này. Thứ nhất, tuyên truyền cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, nhà mạnh thường quân cùng chung tay góp sức, hiểu được chính sách, chủ trương của Thành phố.

Thứ hai, bằng các nguồn lực hỗ trợ bà con có đồng vốn làm ăn, sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn bà con cách thức làm ăn.

Thứ ba, thực hiện nhiều chính sách đồng bộ hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo về phương tiện, điều kiện sống. Một vấn đề nữa là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện chương trình này một cách công khai, minh bạch, hiệu quả."

Hướng tới chặng đường mới cho Chương trình Giảm nghèo Bền vững trên địa bàn TPHCM, Đảng bộ – Chính quyền cùng ban ngành chức năng và người dân Thành phố sẽ tiếp tục hợp lực để cụ thể hóa tuyệt đối chủ trương “không để ai bị bỏ rơi lại phía sau”.

Nói cách khác, quá trình xây dựng, triển khai chính sách giảm nghèo của Thành phố về cơ bản vẫn tập trung vào cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo không chỉ về thu nhập mà còn về các chiều xã hội bao gồm giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin.

Bất kể là giai đoạn nào, những giai đoạn đã qua, giai đoạn 5 năm tới hay xa hơn nữa, thì đây vẫn chính là giá trị cốt lõi, là kim chỉ nam cho Chương trình Giảm nghèo Bền vững của Thành phố mang tên Bác.