Nhìn lại kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2019 và những tín hiệu lạc quan năm tới
Kỳ 1: Điểm sáng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019
Trong năm qua, dù thế giới có nhiều biến động và nhiều nền kinh tế lớn suy giảm tác động không ít đến tình hình trong nước cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường xuất khẩu…Tuy nhiên, trong nỗ lực của chính quyền và nhân dân, thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững đà tăng trưởng khá, giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong đó, sự đóng góp quan trọng phải kể đến đó là các ngành dịch vụ, khu vực chiếm tỷ trọng tới hơn 60% trong GRDP của thành phố. Cùng với đó là lĩnh vực du lịch thành phố, các dự án đầu tư nước ngoài FDI. Đáng chú ý, lần đầu tiên, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố vượt mốc 400.000 tỉ đồng, đạt hơn 412.000 tỉ đồng, vượt hơn 3% chỉ tiêu giao đầu năm, chiếm hơn 27% tổng thu cả nước.
Năm 2019, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 1,347 triệu tỷ đồng, tăng hơn 8%. Dịch vụ đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, sánh vai cùng với các thành phố tiên tiến trên thế giới - đó là nhận xét của chuyên gia cao cấp ngân hàng thế giới đối với một trong những ngành đóng góp quan trọng vào chỉ số tăng trưởng của kinh tế thành phố.
Ảnh minh họa
Năm qua, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố đóng góp 55% trong GRDP và chiếm gần 90% trong khu vực dịch vụ. Khu vực dịch vụ tăng gần 8,6%, đạt mức tăng cao hơn cùng kỳ. Theo ông Huỳnh Văn Hùng - Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, có 4 ngành dịch vụ có tỉ trọng cao so với GRDP là: thương nghiệp chiếm gần 15%, vận tải kho bãi 10%, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ 4,8%, tài chính ngân hàng hơn 8%. Đây là 4 ngành chủ đạo chiếm gần 62% trong nội bộ khu vực dịch vụ của thành phố. Thành phố có 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 83% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tiếp đến là hàng dệt may; giày dép; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
“Tốc độ tăng trưởng của thành phố rất cao, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ thương mại. Năm nay dịch vụ thương mại tăng trên 8,5%, điều này đúng với nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 10 của thành phố. Trong 9 ngành dịch vụ chủ lực của thành phố, có 4 ngành tăng trưởng khá cao là thương mại, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, thông tin truyền thông… góp phần cho tình hình sản xuất của khu vực thương mại dịch vụ tăng nhanh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của thành phố.” - ông Huỳnh Văn Hùng nói.
Điểm sáng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm qua phải kể đến sự đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào kinh tế thành phố. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn thành phố có hơn 9.400 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là gần 53 tỷ đô la Mỹ. Về đóng góp, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt hơn 24 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 25% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 66%. Sản xuất của các doanh nghiệp này ổn định, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 17 tỷ đô la Mỹ đạt 100 % so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 8%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trên 6%, tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Đỗ Việt Hà – Phó Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao cho hay hiện nay có 9 quy trình kỹ thuật trồng rau, bảo quản, sản xuất hạt giống, được Bộ Nông nghiệp xét chọn và công nhận, đáp ứng được nhu cầu nông thôn mới nâng cao.
Ảnh minh họa
Năm qua, ngành du lịch của Thành phố cũng được coi là một năm khá thành công khi có những ghi nhận ấn tượng, góp phần vào sự phát triển của kinh tế thành phố. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng lượt khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 8,5 triệu lượt khách, tăng 14 % so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa ước đạt gần 33 triệu lượt, tăng 13%. Tổng thu ngành du lịch ước đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 14,5 % và đạt 100 % kế hoạch năm.
“Chúng tôi muốn gởi đến các du khách Thành phố Hồ Chí Minh, kể cả du khách trong nước và quốc tế với tình cảm của người dân thành phố rất mến khách”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Đáng chú ý, 2019 cũng là năm thành phố có tổng thu ngân sách có tỷ lệ tăng vượt dự toán cao nhất trong vài năm trở lại đây với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là hơn 412.000 tỷ đồng, đạt hơn 103% dự toán được giao và tăng hơn 9% so với năm 2018. Góp phần cho thu ngân sách thành phố vượt chỉ tiêu, phải kể đến đóng góp ấn tượng của ngành hải quan và thuế. Trong năm qua, số thu do ngành thuế thực hiện là 291.550 tỷ đồng, bao gồm thu nội địa và dầu thô, đạt hơn 100,42%. Trong khi đó, số thu ngành hải quan thực hiện là gần 119.000 tỷ đồng, đạt hơn 109% dự toán được giao, thu vượt khoảng 11.000 tỷ đồng, góp phần đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao cho thành phố.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục Trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Số thu này đạt được do: Thứ nhất liên quan đến kế hoạch tạo thuận lợi. Năm 2019 chúng tôi có tổ chức đến 26 hội nghị đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp để kịp thời giải thích, hướng dẫn về trình tự thủ tục hải quan. Thứ hai là lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị khó khăn của doanh nghiệp. Những gì khó khăn trong thẩm quyền chúng tôi chỉ đạo xử lý luôn, còn những gì thuộc về cơ chế chính sách, chúng tôi ghi nhận lại báo cáo cho lãnh đạo Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính và Chính phủ. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tạo được niềm tin cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Mặc dù trong năm qua, nguồn thu ngân sách thành phố sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của ngành bất động sản và xây dựng. Số thu tiền sử dụng đất 2019 chỉ đạt 14.650 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với năm 2018 và giảm hơn 18% so với năm 2017. Tuy vậy, các ngành, các cấp thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước do Trung ương giao cho thành phố.
Nhìn nhận kết quả này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Trần Vĩnh Tuyến đánh giá ngoài nỗ lực chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM, là nỗ lực rất lớn của các đơn vị tài chính của thành phố, ví dụ như Cục Thuế, Kho Bạc, Hải quan, Sở Tài Chính… những ngành này đã có tham mưu, đề xuất, đôn đốc, quyết liệt các giải pháp.
Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP đạt từ 8,3 - 8,5%. Cùng với đó, sẽ tập trung hoàn thành một số đề án quan trọng bao gồm: Đề án xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh, đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế và đề án xây dựng Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông.