Mô hình đưa y tế đến dân, y tế gần dân!

(VOH) - Thực hiện mục tiêu y tế gần dân, y tế đến dân là một trong những mục tiêu hướng đến của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được ngành linh hoạt ứng dụng vào thực tế. Cụ thể như tại Quận Gò Vấp, Trạm y tế phường 16 là 1 trong 3 trạm được Trung tâm y tế Quận Gò Vấp chọn triển khai thí điểm mô hình khám, chữa bệnh từ xa với mong muốn chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho người cao tuổi trên địa bàn. Phường 16 quận Gò Vấp hiện có 2.777 người trên 60 tuổi, 1.052 người trên 80 tuổi. Một thực tế là hiện Trạm y tế phường 16 chỉ mới quản lý sức khoẻ cho khoảng 20% người cao tuổi và nhu cầu người cao tuổi được khám và chăm sóc sức khoẻ tại nhà là mong đợi thật sự của người dân, nhất là những người mắc các bệnh không lây như tăng huyết áp, tiểu đường. Thông qua hệ thống telemedicine kết nối từ trạm y tế với điểm cầu là tại gia đình bệnh nhân, các bác sĩ sẽ tiếp nhận thông tin và ra y lệnh điều trị.

 y tế đến dân, y tế gần dân
Bác sĩ Nguyễn Thị Thương - Trạm trưởng trạm y tế phường 16 – Quận Gò Vấp hội chuẩn từ xa qua hệ thống ứng dụng.

Mô hình khám chữa bệnh tại nhà mà Trạm y tế Phường 16 – Quận Gò Vấp thực hiện là mô hình điểm thiết thực, nhất là đã phát huy hiệu quả trong điều kiện khi có dịch bệnh xảy ra nhất là trong mùa dịch Covid 19 vừa qua. Cách làm này cũng mang đầy tính sáng tạo mà ngành y tế đã triển khai cho các quận, huyện. Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn với Bác sĩ Nguyễn Thị Thương - Trạm trưởng trạm y tế phường 16 – Quận Gò Vấp về mô hình này

*VOH: Thưa bác sĩ, với vai trò trạm trưởng mình điều phối như thế nào khi nhận tín hiệu cần khám chữa bệnh từ người dân trên địa bàn?

Bác sĩ Thương: Khi chúng tôi nhận được một cuộc điện thoại của bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân gọi về trạm đăng ký khám thì tôi sẽ phân công ra cho từng nhân sự đi đến nhà.Trong đội ngũ đi đến nhà bệnh nhân gồm có ba nhân sự, 2 y sĩ và 1 điều dưỡng sẽ liên tục nhận những ca của mình và theo dõi suốt quá trình thăm khám cho bệnh nhân.

*VOH: Cơ số bác sĩ tại trạm là bao nhiêu thưa bác sĩ để mình có thể đảm nhận thực hiện mô hình này?

Bác sĩ Thương: Cơ số của trạm chúng tôi gồm có 3 bác sĩ, 2 y sĩ, 2 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh và 1 dược sĩ

*VOH: Thưa bác sĩ, khi thực hiện mô hình khám chữa bệnh tại nhà này, với vai trò đầu tàu bác sĩ có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi trạm y tế phường 16 được chọn là 1 trong những đơn vị thí điểm tiên phong tại quận Gò Vấp?

Bác sĩ Thương: Nếu nói về cảm xúc tôi nói về 2 khía cạnh. Cảm xúc nhân viên y tế trước, chúng tôi công tác tại trạm là nơi gần dân nhất, với những bệnh trong tầm tay người dân cần gì chúng tôi giải quyết ngay. Riêng với những mặt bệnh vượt quá khả năng, chúng tôi có hệ thống kết nối từ xa với các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng hỗ trợ trạm trong quá trình hội chẩn làm sao để bệnh nhân có được sức khỏe tốt nhất.

Về phía cảm xúc với bệnh nhân, với người nhà bệnh nhân đặc biệt là các bác cao tuổi những người hạn chế đi lại hay không có điều kiện do con cái bận bịu thì mô hình này các cụ rất hài lòng, chúng tôi nhận được nhiều lời khen từ các cô các bác đó là động lực giúp chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc ứng dụng mô hình này vào thực tế giúp đỡ bệnh nhân trên địa bàn.

*VOH: Từ thực tế triển khai của mình qua ứng dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, thì sẽ góp phần như thế nào trong kiểm soát  các bệnh mãn tính không lây tại cộng đồng?

Bác sĩ Thương:Về bệnh không lây là chương trình y tế quốc gia, hiện tại tỷ lệ bệnh chiếm cao đa số tập trung người lớn tuổi. Ở trạm y tế phường 16 này cũng đang đẩy mạnh quản lý bệnh không lây vì nếu tập trung lên tuyến trên quá nhiều sẽ gây quá tải trong khi tuyến cơ sở có thể giải quyết được.

Khi ứng dụng khám chữa bệnh tại nhà, khi y bác sĩ xuống nhà khám có thời gian để tư vấn cho bệnh nhân kỹ càng hơn, trong việc từ điều chỉnh ăn uống, lối sống rồi tư vấn sử dụng thuốc, các cách phòng bệnh và phát hiện biến chứng.. thì đó cũng là cách chúng tôi góp phần kiểm soát bệnh mãn tính không lây tại cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay cũng vấp phải khó khăn từ phía bệnh nhân là đa số bệnh mãn tính không lây đều là những người bệnh lớn tuổi, khi chúng tôi đến tại nhà khám nhưng chưa phát thuốc tại nhà được các cụ cũng chưa hài lòng lắm. Do vậy thời gian tới làm sao vấn đề này được tháo gỡ để bệnh nhân hài lòng hơn và đó cũng là cách chúng tôi góp phần giảm tải tuyến trên.

*VOH:  Xin cảm ơn bác sĩ!