Nét đẹp 'đạo' và 'đời' giữa tâm dịch

(VOH) - Ngày 16/12, Ủy ban MTTQ VN TPHCM tổ chức hội nghị tri ân các tôn giáo, cơ sở tôn giáo vận động tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP.

Phát biểu tại lễ tri ân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết: Từ ngày 22/7 đến ngày 21/10, đã có 10 đợt xuất quân với gần 700 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thành phố, các tình nguyện viên tôn giáo đến với trận chiến Covid-19 bằng tinh thần thép, bằng lòng yêu thương và sự nhân ái để xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dành hết tâm lực để chăm sóc, hỗ trợ việc chữa trị người bệnh như người thân quen, ruột thịt của mình. “Mỗi tình nguyện viên tôn giáo đã dấn thân đồng hành cùng ngành y tế, tham gia chăm sóc các bệnh nhân điều trị trong các bệnh viện điều trị Covid-19 với lòng nhiệt tâm, tận tụy sẻ chia, nâng đỡ bằng những công việc không tên, không thể nào cân đong, đo đếm được. Nhưng những việc này không phải ai cũng làm được, ai cũng sẵn sàng. Đó là sự chu đáo, ân cần đút từng muỗng sữa, miếng ăn, ngụm nước, lau mình, cắt tóc, thay tã..., quét dọn, lau phòng, đổ rác và cao cả hơn nữa đó là tình thân, an ủi, động viên, giúp đỡ bệnh nhân”, bà Châu ghi nhận.

net-dep-dao-va-doi-giua-tam-dich-voh.com.vn-anh1
Lãnh đạo thành phố tham quan những bức tranh về các tình nguyện viên tôn giáo nơi tuyến đầu chống dịch.

Đúng như nhận xét của bà Tô Thị Bích Châu về các tình nguyện viên tôn giáo, bởi chính những người bệnh nhân đang điều trị Covid-19 cũng cảm thấy ấm áp khi được các tình nguyện viên chăm sóc như người nhà: “Từ bác sĩ trưởng khoa cho đến nhân viên điều dưỡng, y tế và các bạn tình nguyện viên quan tâm rất nhiều, ngày nào cũng vào hỏi thăm xem mình ăn uống được không và sức khỏe mình như thế nào? Rồi mình có cần gì không thì các bạn đều hỗ trợ rất nhiệt tình”.

Mặc dù đến từ các tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Thiên Chúa và Tin lành nhưng khi bắt tay vào nhiệm vụ thì không còn ranh giới tôn giáo nào nữa. Sự ra quân của các tình nguyện viên tôn giáo được ví như “chiếc phao” trong những ngày bão lũ Covid-19. Bởi lẽ, bên cạnh việc hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân về mặt thể chất, tình nguyện viên tôn giáo còn là những người xoa dịu và trấn an tinh thần cho các F0, giúp họ có thêm niềm tin vượt qua Covid-19. 

Đại đức Thích Chúc Khai là tình nguyện viên tham gia tích cực trong tâm dịch chia sẻ: “Chúng tôi đút ăn từ từ và người ta cũng nuốt từ từ như vậy. Khi ăn xong người ta nở một nụ cười cảm ơn tình nguyện viên, chỉ như vậy thôi là chúng tôi thực sự hạnh phúc rồi. Chúng tôi chưa dám nói về tự hào, vì chúng tôi chỉ là một hạt cát trong biển người đang phòng chống dịch mà thôi”.

“Mỗi ngày đi làm thì tôi giúp các bệnh nhân ăn uống, tắm rửa vệ sinh các nhu cầu tối thiểu của họ. Thay mặt người thân của họ chăm sóc họ, rồi ở bên cạnh tâm sự với họ, giúp đỡ họ vượt qua những lúc khủng hoảng tinh thần, bởi vì mình mắc bệnh gia đình thì gặp khó khăn, thì tôi ở bên cạnh động viên, tâm sự”, nữ tu Maria Phạm Thị Cẩm Tú nói.

net-dep-dao-va-doi-giua-tam-dich-voh.com.vn-anh2
Bức tranh về các tình nguyện viên tôn giáo nơi tuyến đầu chống dịch, do Họa sĩ Lê Sa Long vẽ tặng.

Hành trình đến hỗ trợ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 của tình nguyện viên Tôn giáo là hành trình yêu thương, sự cống hiến, trải nghiệm sống trong giai đoạn đi vào lịch sử của thành phố trong thời kỳ đấu tranh với đại dịch Covid-19, là hình ảnh khắc họa nét đẹp của “đạo và đời”. Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu một lần nữa khẳng định: “Các tu sĩ, các chức sắc tôn giáo tham gia có sự hiểu biết về y khoa, có lòng nhiệt tình để đi đến các bệnh viện điều trị Covid, giúp giảm tải cho y bác sĩ và chăm sóc bệnh nhân khi họ không có người thân bên cạnh. Điều này phần náo giúp cho y bác sĩ giảm tải được sự khó khăn cũng như thiếu bụt nguồn nhân lực, đồng thời chia sẻ với bệnh nhân dù có lúc chúng ta cũng không cứu được họ”.

Covid-19 đã lấy đi của chúng ta rất nhiều, lấy đi những ngày đến trường của trẻ thơ, lấy đi cơ hội thực hiện hoài bão của người trẻ, lấy đi niềm vui từ những hoạt động sinh hoạt hằng ngày của con người, và đáng buồn thay, nó cũng lấy đi rất nhiều người thân yêu. Giờ đây, thành phố đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, ít nhiều tình nguyện viên cũng trở về nhà sau tháng ngày làm việc hết sức mình. Đó chính là tín hiệu đáng mừng cho một nhịp sống mới.