Nhiều giải pháp liên quan tới cơ chế, chính sách phát triển thành phố Thủ Đức

(VOH) - Sáng ngày 7/1, Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách phát triển thành phố Thủ Đức”.

Hội thảo với mục tiêu góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời, tạo diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, học viên, sinh viên trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu liên quan đến chủ đề Hội thảo; đề xuất các giải pháp cụ thể, đặc thù, phù hợp trong việc vận hành mô hình thành phố Thủ Đức nói riêng và nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển bền vững TPHCM nói chung đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách phát triển thành phố Thủ Đức”
Đại diện Học viện Cán bộ TPHCM tại Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách phát triển thành phố Thủ Đức”

27 bài tham luận của các tác giả là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đề cập nhiều vấn đề bổ ích, thiết thực; gợi mở những vấn đề vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính lý luận, với rất nhiều những giải pháp để nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM trong tương lai, với những nhóm giải pháp chính:

Một là, củng cố các hình thức bảo đảm quyền làm chủ của người dân, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức, đổi mới tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho thành phố Thủ Đức.

Hai là, áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, đột phá trong quá trình kiến tạo, xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức. Theo đó, Chính quyền thành phố Thủ Đức cần tập trung nhận diện thực trạng, tiềm năng, lợi thế cũng như các cơ hội liên kết để phát triển 3 trụ cột “Công nghệ cao; Công nghiệp và Nông nghiệp đô thị” theo hướng liên kết vùng nhằm thúc đẩy phát triển năng lực cạnh tranh và gia tăng sức hấp dẫn của thành phố Thủ Đức và cả khu vực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất cơ quan Trung ương các cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng; mạnh dạn đề xuất thành phố Thủ Đức là nơi thí điểm các chính sách mới. Từ mô hình này, TPHCM cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, có thể đề xuất thành lập thêm các thành phố “vệ tinh” trong tương lai, trên cơ sở sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện hiện hữu (nếu đủ điều kiện), đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển của địa phương và yêu cầu của thực tiễn.

Bốn là, gắn tiến trình xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hiện đại với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính, triệt để ứng dụng thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động đẩy mạnh số hóa dữ liệu thông tin, phần mềm quản lý nhằm xây dựng chính quyền số, Chính phủ điện tử.

Năm là, chú trọng vấn đề con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao, là yếu tố tiên quyết để xây dựng và vận hành hiệu quả mọi công việc, nhiệm vụ của thành phố.

Sáu là, có sự học hỏi và vận dụng hài hòa, hợp lý những kinh nghiệm, mô hình thành phố trong thành phố, đô thị thông minh hiệu quả từ một số quốc gia trên thế giới, chú trọng đến tính đặc thù và phát triển bền vững dựa trên điều kiện tự nhiên, yếu tố địa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống và con người của thành phố Thủ Đức trong quá trình kiến tạo và vận hành mô hình thành phố mới chưa từng có tiền lệ trước đây ở Việt Nam.