Đồng thời đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều trẻ trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, người già không còn nơi nương tựa.
Chính vì thế, các hoạt động chăm lo cho nhân dân trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 càng trở nên quan trọng, ý nghĩa. Việc chăm lo Tết năm nay có gì khác so với mọi năm, phóng viên VOH có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Bích Châu – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM về vấn đề này.
*VOH: Những năm qua, cuộc vận động “Tết vì người nghèo” đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo nhân dân. Vậy việc thăm và tặng quà cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo và những người bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 được thực hiện ra sao, thưa bà?
- Bà Tô Thị Bích Châu: Nhằm góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền Thành phố tổ chức chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và thăm, tặng quà các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới, biển, đảo Tổ quốc, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, cụ thể:
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 với 40.344 suất quà, trị giá từ 1.000.000 – 2.000.000/trường hợp từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì Tuyến đầu Tổ quốc” và Quỹ Cứu trợ của Thành phố cho các đối tượng sau: Cụ thể: Cán bộ Mặt trận Tổ quốc cơ sở có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc có hoàn cảnh khó khăn. Đồng bào các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Chăm lo hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Chăm lo thương binh nặng, đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn. Người già neo đơn, trẻ mồ côi do Covid - 19. Chăm lo Văn, Nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Hộ dân tại các dự án thuộc diện thu hồi đất có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức thăm, tặng quà các cơ sở từ thiện, nhân đạo xã hội do các tôn giáo tổ chức. Tổ chức trao tặng túi an sinh do Trung tâm an sinh Thành phố, các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức hỗ trợ cho các hộ khó khăn…
*VOH: TPHCM vừa trải qua đợt dịch lần thứ 4 có thể nói là một cuộc chiến rất khốc liệt và cũng nhiều mất mát, đau thương do đại dịch Covid-19 để lại, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn vậy trong các hoạt động chăm lo Tết nguyên đán 2022, bà có thể chia sẻ thêm về điểm mới và nổi bật trong các hoạt động Thành phố hướng đến có sự khác biệt như thế nào so với mọi năm? Và làm thế nào để không bỏ sót bất cứ hộ gia đình khó khăn nào?
- Bà Tô Thị Bích Châu: Dịp Tết Nguyên đán năm nay là một dịp Tết rất đặc biệt, người dân Thành phố đã trải qua một cuộc chiến khốc liệt với dịch Covid-19. Qua cuộc chiến đó, người dân Thành phố cũng chịu nhiều mất mát: hơn 2.154 trẻ em mồ côi cha, mẹ trong đó có 115 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ do Covid-19; có hơn 383 người già phải sống trong cảnh neo đơn vì người thân mất vì Covid-19; rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn… Chính vì vậy, để người dân Thành phố đặc biệt là những gia đình khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 có thể đón một mùa xuân an lành, ấm áp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch sớm; phối hợp với các ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, lập danh sách các đối tượng dự kiến chăm lo Tết tránh bỏ sót cũng như trùng lắp, bởi vì nguồn lực của chúng ta làm sao để chăm lo cho từng đối tượng.
TP chuẩn bị hơn 40.000 suất quà. Và vừa qua, Mặt trận Thành phố đã tổ chức riêng một đợt phát động kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ cho những hộ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Trong đợt phát động, đã có 22 cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký ủng hộ với số tiền gần 56 tỷ đồng.
Trong dịp chuẩn bị Tết năm nay, Mặt trận Tổ quốc Thành phố phối hợp cùng (Hawee) sẽ tổ chức chuỗi các “Siêu thị 0 đồng” và nhiều mô hình khác để làm sao người dân tiếp nhận được món quà cũng như nhu cầu tránh việc mình hỗ trợ mà không có gắn với nhu cầu của người dân.
*VOH: Để người nghèo, khó khăn, trẻ em mồ côi do đại dịch được đón Tết đầm ấm, vui vẻ, thì Ủy ban MTTQ VN TP có chỉ đạo gì đối với Mặt trận các cấp để xét duyệt đúng đối tượng, đảm bảo công bằng, khách quan?
- Bà Tô Thị Bích Châu: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố xây dựng Kế hoạch chăm lo Tết năm nay trên cơ sở chủ động rà soát các diện được chăm lo Tết từ ngân sách của Thành phố. Từ đó, đề ra kế hoạch chăm lo cụ thể từng đối tượng để tránh bỏ sót, trùng lắp.
Kế hoạch tổ chức hoạt động chăm lo Tết Nhâm Dần của Mặt trận Tổ quốc Thành phố được triển khai đồng bộ, cụ thể đến hệ thống Mặt trận Tổ quốc cơ sở; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức có kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo Tết, rà soát, đề xuất các diện được chăm lo, có danh sách cụ thể; đảm bảo công khai, minh bạch trong các hoạt động chăm lo Tết.
Đồng thời, hệ thống Mặt trận Tổ quốc cơ sở cũng chủ động tham mưu cho Cấp ủy cùng cấp triển khai các hoạt động chăm lo Tết ở địa phương đảm bảo không để người dân nào vì quá khó khăn mà không có Tết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
*VOH: Tết đến xuân về, khi chúng ta làm tốt công tác chăm lo Tết cho người dân đó không chỉ là nghĩa đồng bào mà qua đó, cho thấy được sự kết nối của tình đoàn kết, tương thân tương ái với nhau. Là đơn vị chủ lực trong các phong trào chăm lo Tết, thì bà có thể chia sẻ về cảm xúc của mình khi trực tiếp đi cùng đoàn đến tặng quà và chúc Tết cho bà con?
- Bà Tô Thị Bích Châu: Mỗi năm khi Tết đến – Xuân về, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Thành phố phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và Mặt trận Tổ quốc cơ sở tất bật cho công tác vận động và chuẩn bị chăm lo Tết và đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong việc chăm lo an sinh, mang đến niềm vui, ấm ấp, hạnh phúc cho người dân Thành phố và nhất là những người yếu thế, khó khăn trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Chính vì vậy, chúng tôi nhận thấy rằng Mặt trận Tổ quốc Thành phố và cơ sở phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo các cấp triển khai các hoạt động chăm lo Tết thiết thực, hiệu quả thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia và nghĩa tình của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài các hoạt động chăm lo Tết cho người dân Thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng tham mưu cho Thành ủy tổ chức các đoàn thăm và tặng quà Tết cho người dân khó khăn tại một số tỉnh, thành để cùng chia sẻ, động viên, hỗ trợ các tỉnh cùng vượt qua khó khăn, giúp người dân đón một mùa xuân vui tươi, đầm ấm và đó cũng là thể hiện sự đoàn kết, nghĩa tình của Thành phố chung tay cùng cả nước – vì cả nước.
*VOH: Cảm ơn bà!
Tại tỉnh Bến Tre, đoàn trao tặng kinh phí cho huyện Ba Tri, xã Tân Thủy và xã An Thủy với tổng số tiền 1,15 tỷ đồng, ngoài ra TPHCM còn hỗ trợ 01 bồn oxy phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân tại tỉnh Bến Tre trị giá 3,2 tỷ đồng.
Tại Vĩnh Long, đoàn đã trao tặng huyện Trà Ôn và xã Thuận Thới, xã Tích Thiện số tiền 450 triệu đồng. Ngoài ra, TPHCM còn tài trợ 7.500 bộ test nhanh cho tỉnh Vĩnh Long trị giá 70 triệu đồng và xây dựng 01 cầu nông thôn mới trị giá 220 triệu đồng.
Tại các nơi đến thăm bà Tô Thị Bích Châu Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM chia sẻ niềm vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, đồng thời ân cần thăm hỏi và tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, hy vọng với những món quà ý nghĩa của Thành phố sẽ cùng với người dân các địa phương có một mùa xuân ấm áp, thắm đượm nghĩa tình trong không khí tết cổ truyền của dân tộc.
Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ cho 18 tỉnh, thành để chăm lo Tết cho đồng bào nghèo với tổng kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng.