Thí điểm quận 1, 2, 12 là "đô thị thông minh" của TPHCM

(VOH) - Chiều 8/11, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề góp ý đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến khẳng định sẽ lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp xuyên suốt quá trình xây dựng, nghiệm thu đề án.

“Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp giải quyết các vấn đề nội tại của thành phố về giao thông, kinh tế, văn hóa xã hội… mà còn mở ra cơ hội, tiềm năng hợp tác quốc tế rất lớn. TPHCM đang xây dựng tiêu chí đánh giá đô thị thông minh và sẽ chọn một số quận làm thí điểm trong quá trình xây dựng đề án gồm quận 1, 2, 12...”, ông Tuyến cho biết thêm.

Ảnh minh họa: TNO 

Về đề án này, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Dương Anh Đức nêu vấn đề thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức, vị thế dẫn đầu cả nước đang trên đà suy giảm. Không những chỉ số năng lực cạnh tranh của TP HCM nhiều năm qua tụt hạng so với các tỉnh thành trên cả nước, vừa qua còn bị xếp cuối bảng trong 12 thành phố ở Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh và chất lượng sống. Đề án này áp dụng khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 để đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách giúp thành phố vượt qua các thách thức.

Ông Dương Anh Đức cho biết, các mục tiêu của đề án sẽ phục vụ 4 chủ thể của đô thị. Cụ thể, đối với chính quyền TP.HCM, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.

Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách hiệu quả hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố.

Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác. Qua đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác.

Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp họ tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ của thành phố.