Chờ...

Thực hiện Chỉ thị 11, trường hợp nào được lưu thông từ 23/8?

(VOH) - Từ 23/8, TPHCM cho phép 16 nhóm đối tượng được lưu thông trên đường.

Bổ sung một số nhóm được lưu thông trên đường

TPHCM vừa bổ sung một số nhóm được lưu thông trên đường như lực lượng hỗ trợ, cứu trợ của hội đoàn. Đối với việc đi chợ, những người đi chợ thay được ra đường (giữ nguyên) và bớt nhóm “người dân vùng xanh đi chợ".

UBND TPHCM vừa có Công văn 2800 ngày 22/8 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội. Công văn này thay đổi một số nhóm đối tượng được lưu thông trên đường từ 0 giờ ngày 23/8 đến 0 giờ ngày 6/9 so với công văn được ban hành trước đó (Công văn 2796 ngày 21/8).

tphcm-tu-ngay-23-8-nhung-truong-hop-nao-duoc-luu-thong-tren-duong-voh.com.vn-anh1
Từ 23/8, TPHCM cho phép 16 nhóm đối tượng được lưu thông trên đường theo Công văn 2800 ngày 22/8/2021. (Ảnh minh họa: HL)

Theo đó, từ 23/8, TPHCM cho phép 16 nhóm đối tượng được lưu thông trên đường.

1. Cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc cơ quan Đảng, chính quyền, Đoàn thể, MTTQ (1A).

Người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu về tài chính: ngân hàng, chứng khoán (1B).

Điểm mới: với nhóm 1A, giấy đi đường do UBND quận, huyện, TP Thủ Đức cấp sẽ có hiệu lực trên toàn TPHCM. Giấy đi đường do UBND phường, xã, thị trấn cấp có hiệu lực liên phường, xã, thị trấn trong quận, huyện, TP Thủ Đức.

2. Người lao động tại đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải (2A). Bổ sung: Người lao động thuộc các đơn vị hoạt động tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (2B), Cảng Tân Cảng Cát Lái (2C).

3. Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối được hoạt động trong địa bàn 1 quận, huyện từ 6 giờ đến 18 giờ (3A). Nhân viên phục vụ của hệ thống phân phối, điện lực không giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động (3C).

Nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa (3D) được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ, số lượng và phạm vi do Sở Công Thương quyết định từng trường hợp.

Bỏ nhóm 3B

4. Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành xây dựng như cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật (4A). Công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của cơ quan, tòa nhà, chung cư (4B).

5. Nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 (không khống chế số lượng).

Bổ sung: Người cung ứng thuốc, vật tư y tế, bảo trì trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế.

6. Bỏ nhóm 6 (gồm 6A, 6B)

7. Nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ngoại giao (7A) Nhân viên cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất (7B).

8. Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ (bếp ăn từ thiện, lực lượng thiện nguyện...) thuộc điều phối của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, các đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội (8A).

Bổ sung: Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ thuộc Thành Đoàn TPHCM (8B) và lực lượng hỗ trợ, cứu trợ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM (8C).

9. Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, báo chí, hạ tầng công nghệ thông tin (9A); cung ứng dịch vụ bưu chính Nhà nước (9B).

10. Dịch vụ công chứng.

11. Nhân viên vệ sinh môi trường của các đơn vị trực thuộc TPHCM, hoạt động tang lễ.

12. Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ; Nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và lực lượng phòng, chống dịch do cấp huyện, xã trưng dụng.

Bổ sung các đối tượng sau:

- Nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn, trang thiết bị, vật tư y tế

- Nhân viên ngành phục vụ sản xuất, cửa hàng xăng dầu, gas

- Nhân viên cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...), cơ sở cung ứng suất ăn công nghiệp

- Lực lượng cung ứng dịch vụ công ích, xây dựng, bảo trì công trình, trang thiết bị

- Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ phòng, chống dịch Covid-19 (gồm tiểu thương chợ truyền thống hỗ trợ cung ứng hàng hóa)

- Lực lượng khác của ngành y tế

Đối với những người này, giấy đi đường do UBND quận, huyện, TP Thủ Đức cấp giấy có hiệu lực áp dụng trên toàn TPHCM.

13. Người dân đi tiêm vaccine Covid-19; Tổ Covid-19 cộng đồng; Cấp cứu, khám chữa bệnh định kỳ, người dân về quê theo kế hoạch (riêng nhóm này không cần giấy đi đường).

Bổ sung: Lực lượng thu gom rác dân lập.

14. Người đi chợ thay (14B).

Bỏ nhóm người dân vùng xanh đi chợ (14A).

15. Công tác kiểm dịch động, thực vật.

16. Công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng).

Bỏ các yêu cầu làm việc: "3 tại chỗ"; chỉ cấp phát giấy đi đường khi ra ngoài trụ sở để giải quyết sự vụ kèm hồ sơ sự vụ; thu hồi ngay sau khi về cơ quan.

17. Nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ...) phục vụ cách ly người nước ngoài, nhân viên y tế... do Sở Du lịch TPHCM quản lý.

Bỏ các yêu cầu: làm việc "3 tại chỗ", thu hồi giấy đi đường ngay sau khi về cơ quan.

TPHCM bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 11

Từ 0g ngày hôm nay (23/8), TPHCM bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 11 của UBNDTP về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Nội dung Chỉ thị số 11 nêu rõ : thực hiện “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch", người dân là “chiến sĩ" trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó". Trong đó, lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.

Việc thực hiện Chỉ thị số 11 với nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong. UBND TP Thủ Đức và các quận huyện ra Quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội triệt để, nghiêm ngặt, tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn 312 phường, xã, thị trấn. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, để thực hiện công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội... Cũng với Chỉ thị này, sẽ tiến hành xét nghiệm diện rộng toàn TPHCM trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

Việc tuân thủ Chỉ thị số 11 lần này buộc chúng ta tiếp tục “ở nhà, đâu ở yên đó” như 1 động thái ý thức và cũng là trách nhiệm chung tay phòng chống dịch mà ở vào thời điểm này đang cần phải nâng cao sự quyết liệt, nghiêm túc để có thể đạt được mục tiêu như đã định ! Chính vì vậy, như UBNDTP kêu gọi: người dân TPHCM “đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa” để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách trước đại dịch Covid-19.