TPHCM - Hiệu quả phòng chống dịch COVID-19?

(VOH) - Đến nay, TPHCM đã phát hiện hơn 170.000 ca nhiễm COVID-19 được thống kê. Tính trên dân số của TPHCM khoảng hơn 10 triệu người, thì tỷ lệ số ca nhiễm bình quân ở mức 1,7%.

Câu hỏi đặt ra là, tính đến nay thì kế hoạch triển khai phòng chống dịch của TPHCM có thực sự hiệu quả?

Để trả lời, cần có cách tiếp cận tổng thể theo mục tiêu kế hoạch, tính chiến lược hệ thống có đối chiếu so sánh. Về nguyên tắc kinh điển, khi đề cập đến tính hiệu quả của một kế hoạch hoạt động thì việc quan trọng và cần thiết phải định vị được hệ quy chiếu. Tức là phải xác định kết quả hoạt động đó căn cứ vào cái gì, đem so sánh đối chiếu với những giá trị có tương đồng về tính chất, mức độ hay không.

Nôm na không thể chỉ căn cứ vào số ca nhiễm tăng để nói chưa hiệu quả nếu nó vẫn nằm trong tỷ lệ diễn biến tăng mang tính phổ biến cho phép. Và lại càng không thể mang những con số đó so sánh với những nơi không tương đồng về tính chất, quy mô và đặc thù hoạt động.

Nghe bài viết tại đây

tphcm-hieu-qua-phong-chong-dich-covid-19-voh.com.vn-anh1
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở TP Thủ Đức. (Ảnh: HL)

Từ cách tiếp cận như vậy, trước hết thử đối chiếu với số liệu thống kê về tỷ lệ dịch COVID-19 trên thế giới.

Đến nay, thế giới có hơn 200 triệu ca nhiễm, tính trên tổng số khoảng 7 tỷ dân, tỷ lệ nhiễm bình quân khoảng 2,8%. So với thế giới, tỷ lệ nhiễm bình quân của TPHCM thấp hơn xấp xỉ 1%.

Mỹ được xem là nơi có nền y tế và tiềm lực hàng đầu thế giới, đã có hơn 37 triệu người nhiễm, trên tổng số hơn 320 triệu dân, tỷ lệ nhiễm bình quân hơn 11%. Ở thành phố New York khoảng 9 triệu dân, có hơn 1 triệu ca nhiễm, cũng chiếm tỷ lệ bình quân hơn 11%. Tỷ lệ nhiễm Covid-19 bình quân tại TPHCM thấp hơn Mỹ cũng như NewYork hơn 9%.

Các nước Anh, Pháp, Brazil và Nga đều có số ca nhiễm khoảng 6,5 triệu người, tỷ lệ nhiễm bình quân trên dân số là hơn 9% đối với Anh, Pháp, Brazil; còn với Nga thì tỷ lệ bình quân cũng gần 5%. TPHCM có tỷ lệ nhiễm thấp hơn 3 đến 5 lần so với các nước này.

So với các nước khu vực, Malaysia có hơn 1,5 triệu ca nhiễm, chiếm tỷ lệ nhiễm bình quân hơn 4,5% dân số. Indonesia có khoảng 4 triệu ca nhiễm trên dân số 270 triệu, tỷ lệ nhiễm bình quân 1,5%. Thái Lan có hơn 1 triệu ca nhiễm, tỷ lệ nhiễm bình quân cũng 1,5%. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản khoảng 14 triệu dân, có hơn 300.000 ca nhiễm, tỷ lệ nhiễm bình quân hơn 2%.

Như vậy, so với một số nước khu vực thì tỷ lệ nhiễm bình quân trên dân số của TPHCM thấp hơn gần 3% so với Malaysia và tỷ lệ xêm xêm so với Tokyo, Indonesia, Thái Lan. Riêng Ấn Độ có hơn 32 triệu ca nhiễm, tỷ lệ nhiễm bình quân cũng khoảng 2,5%.

Qua những đối chiếu tương đồng với các nơi trên thế giới, có thể nói, tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại TPHCM vẫn nằm trong tầm kiểm soát hiệu quả theo đồ thị biến thiên tỷ lệ ca nhiễm mà các nước trên thế giới đã phải chấp nhận do biến thể khó lường của con virus này.

Tỷ lệ nhiễm bình quân vẫn còn thấp hơn so với bình quân của thế giới, nhất là thấp hơn rất nhiều so với các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Brazil, Ấn Độ, Malaysia, New York, Tokyo.

Rõ ràng, nếu tính tỷ lệ bình quân ca nhiễm trên dân số thì TPHCM kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả trong bối cảnh cơ bản thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội cũng tương tự các nước và thành phố phát triển trên thế giới; mặc dù về hình thức triển khai vẫn còn một số lúng túng ban đầu do tính lây nhiễm nhanh, quá phức tạp của biến thể Delta.

Kết quả này cũng có thể được xem là đạt được một phần cơ bản mục tiêu kép về phòng chống dịch COVID-19 theo chủ trương của chính phủ.

Ở góc độ chiến lược, quan trọng nhất là phủ sớm vaccine thì TPHCM đã đạt được mục tiêu đề ra của chính phủ là hoàn thành tiêm cho hầu hết người già trên 65 tuổi và 70% người trên 18 tuổi, đạt tỷ lệ cao nhất cả nước, ngang với các nước triển khai tiêm vaccine rất sớm với tỷ lệ phủ cao. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhất mang tính chiến lược quyết định sự miễn nhiễm cộng đồng theo như khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới WHO và mục tiêu đề ra của chính phủ.

Một số điểm cũng cần đề cập khi TPHCM đã chấp nhận trả giá làm mô hình thí điểm để đi đến quyết định cách ly F0, F1 tại nhà mà không tập trung cách ly tất cả như lúc đầu làm nặng nề không cần thiết cho ngành y tế. Thành phố cũng đã triển khai để trải nghiệm mô hình tháp điều trị 5 tầng để rồi đến nay phải chuyển đổi chỉ còn 3 tuyến bệnh viện chuyên sâu phân tầng hợp lý, liên thông với tuyến F0 cách ly tại nhà và các F0 nhẹ để kịp tiếp nhận các ca chuyển nặng điều trị chuyên sâu nhằm giảm số ca tử vong ở mức thấp nhất có thể.

Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, kéo dài giãn cách xã hội cần thiết để kiểm soát, chắc chắn đã ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng người dân vốn quen nhịp sống năng động của thành phố, nhất là những người lao động nghèo, lao động nhập cư.

Để truyền thông người dân hiểu, an tâm và chăm lo về an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, không ngăn sông cấm chợ, thiếu thực phẩm hàng hoá…trong bối cảnh áp dụng chỉ thị 16 toàn miền nam, là một việc làm không đơn giản với một địa bàn rộng lớn, đa dạng như TPHCM.

Ngay việc phối hợp các tỉnh lân cận để không đứt gãy các chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hoá cung cấp cho dân… cũng là việc không hề đơn giản khi mà địa phương nào cũng lo lắng về tính lây nhiễm cộng đồng. Dù còn một số bất cập tất yếu do chưa từng phải đối mặt với dịch bệnh như vậy, nhưng rõ ràng về mặt tổng thể, chính quyền thành phố đã chỉ đạo, triển khai khá hiệu quả việc huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, cộng với sức dân để ổn định thị trường, chăm lo đời sống các khu phong tỏa, cách ly và kịp thời điều chỉnh phù hợp với thực tế, diễn biến cuộc sống.

Chương trình hàng triệu gói an sinh xã hội đến với những hoàn cảnh khó khăn do không có thu nhập khi phải thực hiện Chỉ thị 16 là một nỗ lực rất lớn của thành phố trong tình hình mọi thứ ngổn ngang, khó khăn trăm bề về tất cả các nguồn lực đáp ứng khi thực hiện giãn cách.

Có thể thấy rằng, chiến lược và kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM đến nay cơ bản đạt được hiệu quả nhất định so với tương quan thế giới và khu vực.

TPHCM là một đô thị đầu tàu, có mật độ dân cư "dày" với tỷ trọng dịch vụ, thương mại của một đô thị phát triển. TPHCM là đô thị có các hoạt động huyết mạch kinh tế - tài chính thông thương rộng lớn cả về quy mô và tính chất đặc thù vốn có. TPHCM đóng góp 1/3 tỷ trọng ngân sách quốc gia với nhiều đặc thù mà thực tiễn kinh tế - xã hội không giống bất cứ đô thị và địa phương nào trong cả nước.

Hiệu quả chống dịch đạt được bước đầu là rất đáng quý, là nền tảng cần thiết để bắt đầu từ ngày 23/8, thành phố sẽ bắt đầu áp dụng một số biện pháp giãn cách chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn với sự hỗ trợ từ trung ương, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an và ngành y tế cả nước.

Sẽ phải tiếp tục tăng cường huy động lực lượng thực hiện các gói an sinh xã hội kịp thời đến với từng hộ dân, nhất là các khu dân cư “vùng đỏ” phải thực hiện phương châm “ở đâu ở yên đấy”.

Hy vọng với định hướng thực hiện mục tiêu kép theo chủ trương của chính phủ, TPHCM sẽ đạt được những kết quả tích cực trong những ngày tới. Nghị quyết 86 của chính phủ yêu cầu, đến ngày 15/9 TPHCM phải vượt qua đỉnh dịch để xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Một mục tiêu kép với hạn định đặt ra sẽ là thước đo cho “liều thuốc tăng cường” đối với các giải pháp mới. Đó cũng là thách thức chưa từng phải đối mặt.

Niềm tin và quyết tâm của chính quyền và nhân dân thành phố đã sẵn sàng chặng đua cán đích vào ngày 15/9 cho một cuộc đua cam go, lâu dài với đại dịch này mà không ai dám nói trước với những biến thể mới mà cả thế giới vẫn đang phải đối mặt.