TPHCM: Sẽ xét nghiệm “vùng cam” và “vùng đỏ” – Thêm hơn 1 triệu hộ nghèo được hỗ trợ khó khăn

(VOH) – TPHCM ghi nhận thêm 4.193 ca nhiễm mới và sẽ tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong “vùng cam” và “vùng đỏ”, ngoài ra cũng bổ sung thêm hơn 1 triệu hộ được hỗ trợ khó khăn do dịch.

TPHCM ghi nhận thêm 4.193 ca nhiễm mới

Tính từ 18g ngày 21/8 đến 18g ngày 22/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.193 trường hợp nhiễm mới tại TPHCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có tổng cộng 175.994 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Trong 14 ngày tới, TPHCM sẽ tổ chức xét nghiệm kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong “vùng cam” và “vùng đỏ” gồm TP Thủ Đức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Các quận huyện còn lại thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình theo kế hoạch đã ban hành trước đó. Đối với các hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm sẽ được đội lấy mẫu cấp phát sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đến tận nhà.

Ngày 21/8, Sở Y tế TPHCM đã được trao 1.000 bình ôxy loại 40 lít/bình hỗ trợ kịp thời cho công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Đây là hoạt động trong chuỗi chương trình “ATM ôxy” do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì triển khai từ tháng 8/2021.

Các ATM ôxy hoạt động từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, cung cấp máy tạo ôxy, bình ôxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe của hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế được thuận lợi hơn, giúp bệnh nhân đang điều trị COVID-19 sớm hồi phục.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TPHCM, tỉnh Bắc Giang đã lên phương án đưa 500 công dân đang tạm trú/lưu trú, làm việc tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 48 giờ về quê đợt 1 bằng tàu hỏa từ ngày 25/8 đến 15/9 và hỗ trợ toàn bộ tiền vé, tiền ăn trên tàu. Người trở về từ TPHCM và các tỉnh phía Nam bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày và 7 ngày tiếp theo tại nhà. Chi phí do người dân tự chi trả.

TPHCM: Sẽ xét nghiệm “vùng cam” và “vùng đỏ” – Thêm hơn 1 triệu hộ nghèo được hỗ trợ khó khăn 1
Ảnh minh họa. Nguồn: TTBC TPHCM

Hơn 1 triệu hộ nghèo được bổ sung vào danh sách hỗ trợ do khó khăn vì COVID-19

Về tình hình hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 tại TPHCM, trong ngày 21/8, UBND TPHCM ban hành văn bản số 2799/UBND-VX về việc tiếp tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Theo văn bản, UBND TPHCM chấp thuận bổ sung số hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa... và lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động) đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố để tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo Công văn số 2627/UBND-VX.

Cụ thể, số hộ lao động nghèo dự kiến bổ sung là 1.048.496 hộ với dự toán kinh phí hỗ trợ 1.572.744 triệu đồng.

Số lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động) dự kiến bổ sung (đợt 2 và phát sinh của đợt 1) là 669.170 lượt người (là số lần lao động tự do được hỗ trợ, mức hỗ trợ một lần là 1.500.000 đồng) với dự toán kinh phí hỗ trợ là 1.003.755 triệu đồng

Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ bổ sung so với Công văn số 2627/UBND-VX là 2.576.499 triệu đồng. Dự toán này đượợc dùng làm cơ sở để trình Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí bổ sung kinh phí, việc thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ căn cứ theo số lượng chi hỗ trợ thực tế của các địa phương.

UBND TP giao Chủ tịch UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Trưởng ban Ban điều hành khu phố, ấp, Tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân khẩn trương rà soát kỹ, bổ sung hộ lao động nghèo và lao động tự do đang gặp khó khăn do thời gian giãn cách xã hội kéo dài để kịp thời chi hỗ trợ.

Bên cạnh đó, UBND TP lưu ý, việc chi hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách và thực hiện thanh quyết toán kinh phí theo thực tế chi hỗ trợ; được thực hiện theo quan điểm không phân biệt hộ thường trú hay tạm trú, số nhân khẩu trong hộ, thành phần nghề nghiệp (công nhân, lao động nghèo, sinh viên học sinh) ở khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa...; đảm bảo không trùng lắp, không bỏ sót đối tượng, không để người dân bị thiếu đói, không để hộ đang có khó khăn mà không được hỗ trợ.

Trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo có thành viên trong hộ đã hưởng chính sách hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết số 09/2021/NQ- HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố thì không hưởng tiếp chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo.

Việc phê duyệt danh sách hỗ trợ lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động) phải đảm bảo đủ các điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố và Mục IV Công văn số 2209/UBND-KT ngày 01/7/ 2021 của UBND TP

Ngoài ra, UBND TP giao Chủ tịch UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức chủ động tạm ứng ngân sách của địa phương để kịp thời chi hỗ trợ, góp phần ổn định cuộc sống người dân. Trường hợp ngân sách của của địa phương có khó khăn thì lập dự toán gửi Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND TP bổ sung kịp thời.