TPHCM: Đề xuất cho xe vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào giờ cao điểm

(VOH) - Sở Công Thương đề xuất cho xe vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào giờ cao điểm (từ 9 - 16 giờ và từ 18 - 22 giờ) để cung ứng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Để tạo điều kiện giúp hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu cung ứng kịp thời, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thiết yếu của người dân, Sở Công Thương TPHCM đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố xem xét, có phương án tạm thời nhằm hỗ trợ di chuyển đối với phương tiện vận chuyển xăng dầu trên địa bàn thành phố được lưu thông vào giờ cao điểm, trong khung thời gian từ 9 - 16 giờ và từ 18 - 22 giờ.

Theo đề xuất này, từ ngày 11/10 đến ngày 1/11/2022, các phương tiện vận chuyển xăng dầu vào TPHCM được hỗ trợ phân luồng và tạo điều kiện để cung ứng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Xem thêm: TPHCM: 10 giờ đêm, người dân vẫn đội mưa, mòn mỏi xếp hàng chờ mua xăng

Các cửa hàng xăng của Petrolimex luôn có xăng cho người dân đổ
Các cửa hàng xăng của Petrolimex luôn có xăng cho người dân đổ (Ảnh: Lệ Loan)

Sau thời gian này, căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu phát sinh, Sở Công Thương sẽ đánh giá lại và có đề xuất thời hạn cho phép lưu thông phù hợp trong trường hợp cần thiết, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH đã phỏng vấn ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM.

* VOH: Tình hình cung ứng xăng dầu của TPHCM đang gặp khó khăn như thế nào thưa ông?

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Chúng ta thấy rằng, việc cung ứng xăng dầu có khó khăn nên hoạt động mới bất bình thường. Tuy nhiên, việc này diễn ra chủ yếu là ở một số cửa hàng nhỏ lẻ, chiếm khoảng 10% trên tổng số 550 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TPHCM đang hoạt động. Tuy nhiên, số cửa hàng đóng cửa và có thông báo chính thức với Sở Công Thương thì chỉ có 3 cửa hàng, còn lại các cửa hàng khác chủ yếu là thiếu hàng cục bộ. Có nghĩa là, có những thời điểm, nguồn cung bổ sung cho cửa hàng để phục vụ nhu cầu tăng lên bất thường như hiện nay thì không kịp.

Mặt khác, do các xe bồn chở xăng không được lưu thông trong giờ cao điểm nên khi nguồn dự trữ ở tại cửa hàng hết thì phải chờ hết giờ cao điểm mới có thể bổ sung vào.

Thêm vào đó, các đơn vị cung ứng có số lượng xe chở giới hạn. Khi nhu cầu tăng lên đột biến như vậy, việc xoay vòng các xe không kịp, dẫn tới tình trạng là thiếu hụt nguồn cung.

Như vậy, đối với những chuỗi cửa hàng của những thương hiệu lớn, những doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng nhiều, họ có điều kiện, năng lực để cân đối, xoay xở để có nguồn cung, đáp ứng kịp thời. Còn đối với những doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ thì thường sẽ gặp tình trạng này.

* VOH: Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho TPHCM, Sở Công Thương sẽ có những giải pháp nào trước mắt và lâu dài?

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Về giải pháp, trước mắt, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND Thành phố và đã có chỉ đạo là phối hợp cùng với Sở Giao thông Vận tải và Công an Thành phố để tính toán, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận chuyển xăng dầu, giúp cho việc vận chuyển xăng dầu thuận lợi hơn, kể cả tăng thời gian vận chuyển trong giờ cao điểm để kịp thời cung ứng cho các cửa hàng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân.

Về lâu dài, liên quan tới các cơ chế chính sách điều chỉnh quản lý giá cả nhập khẩu xăng dầu… chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND Thành phố và có kiến nghị với liên Bộ Công Thương và Tài chính. Hai Bộ này cũng đã xem xét và đã có các hướng điều chỉnh.

* VOH: Thưa ông, trong trường hợp nào thì doanh nghiệp xăng dầu sẽ bị xử lý nếu đóng cửa, không bán xăng dầu?

- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Bất cứ trường hợp nào, nếu cửa hàng còn xăng dầu dự trữ mà không bán, chúng tôi sẽ đều xử lý.

* VOH: Xin cảm ơn ông.

UBND TPHCM kiến nghị các Bộ hỗ trợ giải quyết khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Theo phản ánh của doanh nghiệp xăng dầu ở TPHCM và các tỉnh thành khác, họ đang lỗ 100-300 triệu đồng với cây xăng quy mô nhỏ và lỗ nửa tỷ đồng với cây xăng quy mô lớn. Một số đại lý cho biết nếu, chính sách chiết khấu không thay đổi, họ sẽ chỉ bán hết hàng tồn và có thể xin ngưng kinh doanh trong tuần tới.

Sau liên tiếp nhận những phản ánh của doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, ngay ở kỳ điều hành trong ngày 11/10 sẽ tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam khi tính giá cơ sở để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp họ tăng mức chiết khấu trong hệ thống.

Hiện nay, tình hình xăng dầu trong nước vẫn diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp bán lẻ tại khu vực phía Nam đóng cửa, nghỉ bán hoặc bán nhỏ giọt vì nguồn cung khan hiếm, chiết khấu thấp.