Tại họp báo kinh tế xã hội chiều 3/8, Phó Phòng tham mưu Công an TPHCM Lê Mạnh Hà cho biết, hiện nay, Công an TP đang cung cấp, áp dụng 124 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của Bộ Công an. Trong đó có thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú...
Theo quy định, hằng ngày công an các phường, xã, thị trấn phải đăng nhập vào tài khoản dịch vụ công để tiếp nhận hồ sơ cư trú của người dân nộp qua cổng dịch vụ công.
Sau khi tiếp nhận, xem xét đối chiếu, nếu hồ sơ đảm bảo thành phần hồ sơ và đúng quy định thì sẽ tiến hành các bước giải quyết theo quy định, không yêu cầu người dân phải nộp bản giấy.
Nếu hồ sơ không đảm bảo quy định sẽ hướng dẫn và phản hồi trực tiếp trên cổng dịch vụ công, người dân có thể đăng nhập vào cổng dịch vụ công Bộ Công an bằng tài khoản của mình để bổ sung.
Lý giải việc người dân gặp khó khăn về lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú Công an TPHCM cho biết, hiện tại TPHCM chưa triển khai xong dịch vụ chứng thực văn bản điện tử từ bản chính và chưa liên thông dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường.
Do đó, cơ quan công an gặp khó khăn trong việc đối sánh, xác định giá trị pháp lý của giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở...) do người dân chỉ chụp hình gửi qua cổng dịch vụ công.
Ngoài ra, cơ sở vật chất thực hiện dịch vụ công trực tuyến (năng lực truy cập của phần mềm; đường truyền, hệ thống máy tính..) chưa hoàn thiện, đầy đủ và hoạt động ổn định nên có thời điểm việc thao tác gặp khó khăn.
Công an TPHCM đang chủ động tiến hành số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp theo quy định, hướng dẫn của Bộ Công an.
Sau khi hoàn thành phần mềm và kho dữ liệu số hóa trên cổng dịch vụ công và liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, người dân và doanh nghiệp có thể tận dụng những hồ sơ, kết quả trên kho dữ liệu của mình để tái sử dụng hoặc nộp hồ sơ đề nghị giải quyết các thủ tục hành chính khác.