TPHCM tiếp tục tăng cường các giải pháp vì 'Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường'

(VOH) - Xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, văn minh đô thị được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và người dân thành phố.

Môi trường là nền tảng cuộc sống. Bảo vệ môi trường chính là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Do đó, phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và mỗi người dân thành phố.

Mới đây, UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định số 3202 ngày 1/9/2021 Ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19, ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy, về Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” năm 2021.

Theo đó, kế hoạch được triển khai nhằm tăng cường các giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy thành phố; phổ biến, nhân rộng, lan tỏa các công trình, giải pháp, sáng kiến và mô hình có hiệu quả và đề xuất các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế sau 02 năm triển khai để việc thực hiện Chỉ thị đạt hiệu quả, đồng bộ với việc triển khai thực hiện Kế hoạch “Xây dựng Thành phố Xanh - Thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025”.  

tphcm-tiep-tuc-tang-cuong-cac-giai-phap-vi-thanh-pho-sach-xanh-va-than-thien-moi-truong-voh.com.vn-anh1
Công nhân vệ sinh vớt rác trên Kênh Nhiêu Lộc. (Ảnh: LH)

Mục tiêu cụ thể là tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã hoàn thành như: 100% phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch; 100% điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên địa bàn thành phố được giải quyết và duy trì chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan tại các khu vực đã cải tạo, chuyển hóa; không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới; 75% trở lên khu phố - ấp - sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; 20% phường - xã - thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu; 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng; Phấn đấu 70% Phường - xã - trị trấn đạt tiêu chí “Phường - xã - thị trấn sạch và xanh, thân thiện môi trường”,…

Thực tế cho thấy, để đạt được những kết quả như trên phần lớn nhờ vào ý thức người dân, bà Nguyễn Phương Giao, quận 12 bày tỏ quan điểm: “Tôi cũng không làm được gì nhiều, chỉ bằng phần sức nhỏ nhoi của mình, rác của tôi thì tôi bỏ vào thùng rác, hoặc không có thùng rác thì tôi mang về nhà bỏ, rồi nhiều khi ở ngoài đường gặp bạn bè hay người quen vứt rác ra ngoài đường thì cũng nhắc nhở, đề nghị bỏ rác đúng nơi quy định, để công nhân vệ sinh làm đỡ cực, cũng như là nếu bỏ bừa bãi như vậy, rác trôi xuống cống, sẽ gây ngập đường… điều này gây ảnh hưởng không tốt đến việc lưu thông trên đường cũng như chính cuộc sống của chúng ta”.

Tuy nhiên, qua hơn 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt. Do đó, kế hoạch vừa ban hành về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19 của UBND thành phố cũng xác định rõ, phải phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn để đảm bảo tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%; Tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện nhằm đạt chỉ tiêu, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021: 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng,…  

Ông  Lê Văn Thinh, Bí Thư Quận ủy Quận Bình Tân cho biết thêm việc tăng cường thu gom, xử lý rác thải tại địa phương nhằm hưởng ứng tích cực đưa Chỉ thị 19 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc sống: “Hiện nay, tổng phương tiện thu gom rác trên địa bàn quận Bình Tân là trên 300 phương tiện. Trong đó, có hơn 100 phương tiện đạt chuẩn. Quận đã ký hợp đồng với Công ty  Môi trường đô thị thành phố thực hiện quét dọn vệ sinh đường phố với trên 670 tuyến đường, hẻm. Công tác quét dọn chủ yếu thực hiện sau 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Rác được thu gom, tập kết vận chuyển về khu xử lý rác Đa Phước. Bên cạnh đó, Quận cũng đã vận động nhân dân lắp đặt được trên 11.000 thùng rác công cộng, để người dân có chỗ bỏ rác đúng quy định theo tinh thần của Chỉ thị 19 của thành phố”.

tphcm-tiep-tuc-tang-cuong-cac-giai-phap-vi-thanh-pho-sach-xanh-va-than-thien-moi-truong-voh.com.vn-anh2
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác đã phân loại tại Quận 1, TPHCM. (Ảnh: tapchimoitruong)

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh giải pháp xử lý vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và chất thải nói riêng và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của việc triển khai giai đoạn tiếp theo của Chỉ thị số 19. Theo đó, việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương với các hình thức đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng, tăng cường sự tham gia tích cực của công nhân, người lao động, cộng đồng dân cư nơi cư trú trong các phong trào, sự kiện, hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư. Đồng thời, đổi mới phương pháp đối thoại, duy trì, mở rộng đối tượng tổ chức đối thoại về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường,… Bà Nguyễn Ngọc Thanh, Chi cục phó Chi Cục Bảo vệ Môi trường cho biết thêm về công tác truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân tại các khu dân cư: “Công tác tuyên truyền, vận động tại các khu phố sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề: vận động hộ dân đăng ký thu gom rác, phân loại rác tại nguồn, giao rác đúng giờ và để rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quang khu phố. Các hoạt động truyền thông tại khu dân cư không ngoài mục đích là nâng cao nhận thức cộng đồng, qua đó, thay đổi thái độ, hành vi, tiến tới hình thành thói quen xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân thành phố”.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng sẽ phối hợp với các địa phương, các ban ngành, đoàn thể vận động nhân dân thực hiện và nhân rộng các mô hình, công trình, giải pháp, cách làm hay nhằm bảo vệ môi trường và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan nâng cao hiệu quả chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” thành phố.

Hiện nay, với các ứng dụng khoa học công nghệ, với sự quyết tâm, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và ý thức của mỗi người dân ngày càng được nâng cao, môi trường, cảnh quan thành phố ngày càng được cải thiện, góp phần xây dựng một TPHCM sạch, xanh và thân thiện môi trường, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Bình luận