Chờ...

Diễn đàn thảo luận về những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020

(VOH) - Sáng ngày 30/7/2021, Trường Đại học Luật TPHCM (Khoa Luật Thương mại) tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020”.

Hai vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại về môi trường và quản lý chất thải nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các chuyên gia tham gia Hội thảo. 

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, khoa Luật Thương mại đánh giá quy định về hoán đổi nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường là một điểm mới nổi bật.

ThS. Lan nêu quan điểm, trên thực tế hầu hết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại về môi trường người dân đều cần đến sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chứng minh hành vi trái pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại thực tế; người bị thiệt hại thực tế chủ yếu là nông dân, ngư dân… yếu thế hơn so với chủ thể gây thiệt hại phần lớn là các doanh nghiệp có điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất.

Xuất phát từ tính chất phức tạp và tinh vi của hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí hậu quả do những hành vi này gây ra có thể diễn ra từ từ và sau một thời gian dài sự thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp của người dân mới biểu hiện ra bên ngoài nên việc chứng minh mối quan hệ nhân quả lại càng khó khăn.

luật bảo vệ môi trường 2020
Hội thảo Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài trường

Vấn đề về thu gom chất thải rắn sinh hoạt cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các giảng viên, nhà nghiên cứu và chuyên gia.

Về quy định liên quan đến chất thải nguy hại, ThS. Trần Linh Huân cho biết, ngoài cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung thêm chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường cũng được phép vận chuyển chất thải nguy hại. Một điểm mới đặc biệt mà ThS. Huân đưa ra là sự bổ sung, ghi nhận thêm “mùi khó chịu” là đối tượng phải thực hiện quản lý và kiểm soát theo quy định pháp luật bảo vệ môi trường.

Trong phiên thứ hai của Hội thảo, những tham luận còn lại về tín dụng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và thị trường carbon được đưa ra trình bày, thảo luận. Đây đều là những vấn đề hiện đang rất được quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày một diễn biến phức tạp và tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt.

Hội thảo trên là hoạt động nghiên cứu nằm trong kế hoạch tăng cường tổ chức các hội thảo theo hình thức trực tuyến mà trường Đại học Luật TPHCM triển khai thực hiện trong thời gian giãn cách nhằm bảo vệ sức khỏe của viên chức, người lao động và người học đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên và sinh viên.