Những điểm mới trong xét tuyển vào các trường quân đội năm 2021

(VOH) - Năm 2021, các học viện, trường trong Quân đội tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo phương án sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự.

Bao nhiêu trường quân đội xét tuyển năm 2021?

Năm 2021 có 17 học viện/trường thuộc quân đội tổ chức tuyển sinh. Trong đó, 07 học viện là Kỹ thuật quân sự, Quân y, Biên phòng, Phòng không - Không quân, Khoa học quân sự, Hậu cần và Hải quân; 10 trường sĩ quan là Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh binh, Thông tin, Không quân, Tăng Thiết giáp, Đặc công và Phòng hóa. Ngoài ra, còn có 01 trường đào tạo cao đẳng quân sự là Trường Sĩ quan Không quân cũng tuyển sinh trong năm nay.

sĩ quan lục quân 1, xét tuyển trường quân sự

Học viên thực hành động tác ngoài thực địa tại trường Sĩ quan Lục quân 1 (Ảnh: sqlq1)

>>> Năm 2021: Đăng ký sơ tuyển vào các trường quân đội ở đâu? Tiêu chuẩn sức khỏe như thế nào?

Đối tượng tuyển sinh vào các trường quân đội là ai?

Đối với hệ Đào tạo đại học quân sự, đối tượng tuyển sinh là Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên, tính đến tháng 4 năm tuyển sinh (quân nhân nhập ngũ từ năm 2020 trở về trước); Quân nhân chuyên nghiệp; Công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội đủ 12 tháng trở lên, tính đến tháng 9 năm tuyển sinh.

Các đối tượng quy định tại mục này, nếu có nguyện vọng đăng ký dự tuyển, các đơn vị tổ chức sơ tuyển, lập hồ sơ sơ tuyển những trường hợp đủ tiêu chuẩn, nộp cho các trường theo đúng quy trình, nhưng phải bảo đảm đủ quân số thực hiện nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu;

Nam thanh niên ngoài Quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân), số lượng đăng ký dự tuyển không hạn chế;

Riêng với nữ thanh niên ngoài Quân đội và nữ quân nhân, năm nay, đối tượng này được dành 10% chỉ tiêu cho các ngành Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự. Các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự tuyển không quá 06% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo.

Đối với các ngành được giao tuyển sinh thí sinh nữ, mỗi ngành tuyển ít nhất 02 thí sinh.

Đáng chú ý, năm 2021, không tuyển sinh đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu cần và ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học quân sự.

Đối tượng đào tạo cao đẳng quân sự cũng như đào tạo đại học quân sự.

Về độ tuổi của thí sinh (tính đến năm dự tuyển), các trường tuyển thanh niên ngoài Quân đội trong độ tuổi từ 17 đến 21 tuổi; Quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi.

>>> Tuyển sinh 2021: Nhiều trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ ngày 1/3

>>> Chuẩn bị hồ sơ xét học bạ trong kì tuyển sinh 2021 và những điều lưu ý để chắc chắn đậu đại học

Thí sinh thi vào trường quân đội được phân theo vùng như thế nào?

Nếu như các trường đại học thông thường tuyển sinh trong cả nước, thì đa số các trường quân đội lại tuyển thí sinh theo vùng. Cụ thể:

- Trường Sĩ quan Lục quân 1: Tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Bình trở ra phía Bắc;

- Trường Sĩ quan Lục quân 2: Tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào phía Nam (thí sinh phải có hộ khẩu thường trú tính đến tháng 9 năm dự tuyển, phải đủ 3 năm thường trú liên tục trở lên và có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam); xác định điểm chuẩn và chỉ tiêu tuyển sinh theo địa bàn từng quân khu (trong tổng chỉ tiêu của trường), như sau: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên-Huế): 03%, Quân khu 5: 37%, Quân khu 7: 35%, Quân khu 9: 25%.

- Học viện Biên phòng tuyển 45% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (từ tỉnh Quảng Bình trở ra), thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam được xác định đến từng quân khu: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế): 04 %, Quân khu 5: 14%, Quân khu 7: 17%, Quân khu 9: 20%.

- Các học viện: Quân y, Kỹ thuật quân sự, Hậu cần, Hải quân, Phòng không - Không quân và các trường sĩ quan: Chính trị, Pháo binh, Tăng - Thiết giáp, Phòng hóa, Đặc công, Công binh, Thông tin tuyển 65% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 35% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam.

- Học viện Khoa học quân sự: Ngành Trinh sát kỹ thuật tuyển 75% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc, 25% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Nam; Các ngành đào tạo ngoại ngữ: Không phân chia theo vùng miền (thực hiện một điểm chuẩn chung cho cùng một đối tượng thí sinh nam hoặc đối tượng thí sinh nữ trong cả nước).

-  Trường Sĩ quan Không quân: Không phân chia theo vùng miền (thực hiện một điểm chuẩn chung cho thí sinh nam trong cả nước).

Thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam được tính từ Quảng Trị trở vào. Thời gian được tính hộ khẩu thường trú phía Nam tính đến tháng 9 năm dự tuyển phải đủ 03 năm thường trú liên tục trở lên và có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam.

Hồ sơ xét tuyển vào các trường quân đội

Khi đăng ký xét tuyển vào trường quân đội, mỗi thí sinh phải làm 2 loại hồ sơ riêng biệt: 01 bộ hồ sơ đăng ký so tuyển do Ban TSQS Bộ Quốc phòng phát hành, 01 bộ hồ sơ đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT phát hành;

Ban TSQS các đơn vị, địa phương cấp tỉnh và tương đương tổ chức sơ tuyển từ ngày 1/3/2021 đến ngày 25/4/2021. (Xem thông tin chi tiết mọi thông tin tin về sơ tuyển vào các trường quân đội năm 2021 tại đây).

Cách đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, dùng kết quả thi xét tuyển vào các học viện, trường trong quân đội

Học sinh ngoài quân đội có thể đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại địa điểm do các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định. Tuy nhiên, thí sinh là quân nhân đang tại ngũ sẽ đăng kí thi như thí sinh tự do.

Theo đó, thí sinh là quân nhân đang tại ngũ sẽ mua hồ sơ, làm thủ tục và đăng ký dự thi tại địa điểm của thí sinh tự do (số thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2020 trở về trước) do các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố nơi đơn vị quân nhân đang đóng quân quy định;

Ban TSQS cấp trung đoàn hoặc tương đương sẽ chịu trách nhiệm liên hệ, mua hồ sơ, hướng dẫn thí sinh làm thủ tục và đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT cho quân nhân đã sơ tuyển đủ tiêu chuẩn, tuyệt đối không để sai sót dẫn đến thí sinh không được dự thi;

Những môn thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng quân đội

Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT 2021 phải dự thi các bài thi, môn thi để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký dự thi thêm các bài thi, môn thi phù hợp với bài thi, môn thi trong tổ hợp các môn thi để xét tuyển đại học, cao đẳng do các học viện, trường Quân đội quy định;

Tuy nhiên, thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng thì sẽ đăng ký dự thi các bài thi, môn thi phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường đại học, cao đẳng mà thí sinh có nguyện vọng dự tuyển.

Thông tin về tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào các học viện, trường trong Quân đội sẽ được đăng trên website của các trường, Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng (http://bqp.vn) và tài liệu "Những điều cần biết về tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng trong Quân đội năm 2021".

Đăng ký nguyện vọng và điều chỉnh nguyện vọng vào các trường quân đội

Thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự tại trường Quân đội đã nộp hồ sơ sơ tuyển; các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội. Các học viện, trường trong Quân đội chỉ xét tuyển vào hệ đào tạo đại học, cao đẳng quân sự đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất).

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đối với việc điều chỉnh đăng ký xét tuyển vào các trường Quân đội, cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo nhóm trường theo đúng vùng miền và đối tượng tuyển sinh, như sau:

- Nhóm 1: Gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không-Không quân (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng-Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.

- Nhóm 2: Gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không-Không quân (hệ Kỹ sư hàng không).

Cách tính điểm chuẩn tuyển sinh vào các trường quân đội

Đối với các học viện, trường có xét tuyển đồng thời tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, Hóa (tổ hợp A00) và tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, tiếng Anh (tổ hợp A01): Thực hiện một điểm chuẩn chung cho tổ hợp xét tuyển A00 và tổ hợp xét tuyển A01;

Học viện Quân y xét tuyển đồng thời tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, Hóa (tổ hợp A00) và tổ hợp xét tuyển: Toán, Hóa, Sinh (Tổ hợp B00): Thực hiện một điểm chuẩn chung cho tổ hợp xét tuyển A00 và tổ hợp xét tuyển B00;

Thí sinh được tính điểm chuẩn theo hộ khẩu thường trú phía Nam phải có đủ các điều kiện sau:

+ Có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào;

+ Thời gian có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào (tính đến tháng 9 năm dự tuyển) phải đủ 3 năm thường trú liên tục trở lên;

+ Có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam.

Trong trường hợp có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, số thí sinh trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu được giao, sử dụng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển làm các tiêu chí phụ để xét tuyển.

Thí sinh dự tuyển đại học, cao đẳng ngành quân sự cơ sở hệ chính quy phải qua sơ tuyển, đăng ký và dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng mới được đăng ký xét tuyển. Việc sơ tuyển và đăng ký xét tuyển theo chỉ tiêu đã phân bổ cho các quân khu.

Bình luận