Chờ...

Yên Nhật tăng cao nhất trong 7 tháng với hy vọng BOJ thay đổi chính sách

(VOH) - Đồng yên Nhật đạt mức cao nhất trong 7 tháng so với đô la Mỹ hôm nay, khi gia tăng kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ rời khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) chuẩn bị bắt đầu thay đổi chính sách cực kỳ lỏng lẻo của mình đã bùng lên khi ngân hàng trung ương mở rộng phạm vi trần lãi suất đối với trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm vào tháng trước, và nó càng được thúc đẩy bởi một báo cáo của Nikkei vào thứ Bảy rằng BOJ đang xem xét nâng dự báo lạm phát vào tháng 1 để cho thấy mức tăng giá cả gần với mục tiêu 2% trong năm tài khóa 2023 và 2024.

Chiến lược gia tiền tệ Moh Siong Sim của Ngân hàng Singapore nhận định “Thị trường hẳn nhiên muốn tin rằng việc điều chỉnh đường cong lợi suất không chỉ một lần là xong”, nói thêm rằng thị trường đang tìm kiếm thêm các tín hiệu rằng sẽ có nhiều điều chỉnh hơn đối với cài đặt kiểm soát đường cong lợi suất.

Thống đốc Haruhiko Kuroda đã bác bỏ cơ hội thoát khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong thời gian ngắn.

Hôm thứ Ba, đồng yên Nhật đã tăng 0,69% so với đô la Mỹ, chạm mức 129,83 yen đổi 1 USD, sau khi chạm mức 129,51 trước đó trong phiên - mức được nhìn thấy lần cuối vào tháng 6.

Đồng tiền châu Á này trong năm 2022 đã mất giá 12% so với đô la Mỹ, với việc chính phủ Nhật trở lại can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng tiền không mất giá kể từ sau 1998 vào tháng 9, và lần tiếp theo vào tháng 10, khi nó suy yếu xuống mức thấp nhất trong 32 năm là 151,94 mỗi đô la.

Yên Nhật tăng cao nhất trong 7 tháng với hy vọng BOJ thay đổi chính sách 1
Ảnh minh họa: Reuters

Đồng yên cũng tăng so với euro và bảng Anh, với đồng euro giảm 0,57% xuống 138,52 yên và bảng Anh giảm 0,44% xuống 156,76 yên.

Các nhà phân tích cho biết, với việc thị trường Nhật Bản đóng cửa, thanh khoản mỏng có thể làm trầm trọng thêm động thái này.

Giới đầu tư tuần này tập trung vào biên bản cuộc họp của Fed hồi tháng 12, dự kiến công bố vào thứ Tư, để tìm manh mối cho kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2023.

Ngân hàng Trung ương Mỹ tháng trước đã tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (bsp), sau khi liên tiếp 4 lần trước đó tăng 75 điểm, và cho biết có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở mức cao thêm một thời gian để kềm chế lạm phát.

Các chiến lược gia của Citi cho biết biên bản có thể cho thấy nhiều sự khác biệt hơn giữa xu hướng ôn hòa và diều hâu liên quan đến việc lãi suất cuối cùng sẽ tăng cao như thế nào.

“Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm bất kỳ hướng dẫn nào về những gì có thể xác định quy mô của đợt tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Hai, nhưng sẽ không mong đợi bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào,” các chiến lược gia của Citi cho biết, đồng thời cho biết thêm họ tiếp tục kỳ vọng đợt tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 2.

Chỉ số đô la Mỹ, đo lường đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chính, đã có một khởi đầu ảm đạm cho năm 2023 và lần cuối giảm 0,029% xuống 103,610. Chỉ số đồng USD đã tăng 8% trong năm ngoái, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2015 nhờ Fed tăng lãi suất để giải quyết lạm phát.

Christopher Wong, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng OCBC ở Singapore, cho biết đồng đô la có khả năng bước vào giai đoạn củng cố khi “hoạt động thị trường dần tăng lên trong tuần này”.

Dữ liệu bảng lương khu vực phi nông nghiệp của Mỹ, sẽ được công bố vào thứ Sáu, dự kiến sẽ cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt.

Các nhà kinh tế của ING cho biết trong một lưu ý rằng Fed đã nói về tầm quan trọng của dữ liệu bảng lương đối với triển vọng lạm phát, nhưng họ lưu ý rằng tăng trưởng tiền lương không gây ra lạm phát và nó sẽ không phải là lý do khiến lạm phát giảm xuống.