Biến thể Omicron và những thử thách mới đặt ra cho thế giới

(VOH) - Thế giới trong tuần đã “chấn động” khi biến thể Omicron xuất hiện. Liên tiếp những thông tin cảnh báo được đưa ra.

Hàng chục quốc gia ra lệnh đóng cửa các chuyến bay từ phía Nam châu Phi, thị trường chứng khoán quốc tế liên tục trồi sụt khi biến thể Omicron xuất hiện. “Cơn địa chấn” mang tên Omicron đã và đang đặt thế giới trước nguy cơ đối mặt với một đợt “sóng thần” mang tên COVID-19 mới.

Trong cuộc họp khẩn ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức đặt tên Omicron cho biến thể B.1.1529, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. Omicron đang là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay kể từ sau biến thể Delta. Ngoài Omicron, danh sách biến thể đáng lo ngại của WHO còn có biến thể Delta đang thống trị toàn cầu, cùng các biến thể Alpha, Beta và Gamma.

Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết hiện các nhà khoa học “chưa biết nhiều về biến thể mới này” và sẽ mất một vài tuần để có thể đánh giá đầy đủ. Trong khi đó, đặc phái viên của WHO về COVID-19 David Nabarro nhận định Omicron rất đáng quan ngại do có khả năng né tránh "hệ thống phòng thủ" của các vaccine mà thế giới đã sử dụng từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, một số quan điểm khác cho rằng biến thể Omicron dù có nguy cơ lây lan rộng, nhưng không tác động quá xấu đến sức khỏe của người bệnh.

 Hiện nay thế giới đang trong tình trạng cảnh giác cao độ về biến thể Omicron - Ảnh minh họa: DW/ZUMA PRESS

Hiện nay thế giới đang trong tình trạng cảnh giác cao độ về biến thể Omicron - Ảnh minh họa: DW/ZUMA PRESS

 

Theo thông tin từ Bộ Y tế Nam Phi, trong số 50 đột biến của Omicron có tới 32 đột biến nằm ở gai protein, thành phần giúp virus SARS-CoV-2 bám vào các tế bào, nhiều hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới. Nhiều đột biến của biến thể mới có liên quan đến việc tăng khả năng kháng kháng thể của virus, tức là có thể làm giảm hiệu quả của vaccine và ảnh hưởng đến cách virus phản ứng đối với vaccine, phương pháp điều trị và khả năng lây truyền. Giới khoa học Nam Phi nhận định rằng Omicron là “biến thể đáng sợ nhất” mà họ từng biết tới từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hiện, các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu khẩn cấp để tìm hiểu về khả năng lây lan, tính nghiêm trọng và phản ứng của biến thể này đối với vaccine. 

Được phát hiện lần đầu vào ngày 11/11/2021, đến nay biến thể Omicron đã  xuất hiện tại Nam Phi, Botswana, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Israel. Châu Âu cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể này đầu tiên tại Bỉ. Tình hình ở Nam Phi được coi là đáng lo ngại khi đã ghi nhận hơn 100 trường hợp dương tính với biến thể này, đặc biệt lây lan nhanh chóng trong giới trẻ ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của Nam Phi. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất tại nước này.

WHO khuyến nghị các nước vào thời điểm này cần thận trọng khi đưa ra các biện pháp đối với việc đi lại, "tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện các biện pháp về đi lại". Mặc dù vậy, lo ngại về nguy cơ lây lan của biến thể mới, nhiều nước từ Mỹ, Canada, Brazil, Đức, Italia, CH Séc, Anh tới Thái Lan, Malaysia, Iran, Oman, Australia…đều đã ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại tới những nơi có ca nhiễm biến thể Omicron. Người đến từ Nam Phi, Botswana và một số nước ở miền Nam châu Phi như Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini được đưa vào danh sách đỏ của nhiều nước, theo đó bị hạn chế hoặc cấm nhập cảnh. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng đã phải hoãn hội nghị bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 29/11 do sự xuất hiện của biến thể này. 

Ngay lập tức, các chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó. Chính phủ Nam Phi kêu gọi người dân duy trì cảnh giác và nhanh chóng tiêm vaccine ngừa COVID-19. Thủ tướng Israel ngày 26/11 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bộ ngành liên quan. Sau cuộc họp, một loạt biện pháp phòng chống mới đã được đưa ra: mở rộng danh sách các quốc gia trong diện “cảnh báo đỏ” ra toàn bộ châu Phi, trừ các nước Bắc Phi, người nước ngoài đến từ các quốc gia này sẽ không được nhập cảnh Israel. Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/11 đã đề xuất dừng mọi hoạt động đi lại hàng không với khu vực miền Nam châu Phi.

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi đẩy mạnh tiêm vaccine ở EU, nơi hiện có gần 25% dân số trưởng thành vẫn chưa tiêm phòng đầy đủ. Bà Von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu có đủ lượng vaccine để tiêm phòng và sẽ chuyển 1 tỷ liều cho các quốc gia thành viên vào cuối tuần này. Bà Von der Leyen cũng ủng hộ việc tiêm nhắc lại vaccine sau 6 tháng. Ngoài ra, để mở rộng nhóm đối tượng được bảo vệ với vaccine, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 25/11 đã khuyến nghị tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Trước đó, việc sử dụng vaccine này cho trẻ ở độ tuổi tương tự đã được Mỹ và Canada chấp thuận. Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng đang xem xét phê duyệt vaccine của Moderna dành cho trẻ em từ 6 tuổi. Chính phủ Bỉ cũng đưa ra quyết định có tính bước ngoặt mới trong đời sống xã hội của nước này, theo đó yêu cầu các hộp đêm phải đóng cửa và khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể.

Có thể thấy so với thời điểm phát hiện biến thể Delta, thế giới lần này quyết định hành động nhanh và quyết liệt hơn. Hiện tại vẫn còn quá sớm để biết liệu Omicron có gây ra những hậu quả nghiêm trọng như biến thể Delta hay không, nhưng có vẻ thế giới nên chuẩn bị cho việc một lần nữa đón Giáng sinh và Năm mới trong trạng thái hạn chế.

Thế giới đã bước vào mùa Đông thứ hai đối phó với đại dịch COVID-19. Lúc này, ý thức phòng chống dịch của mỗi người càng trở nên quan trọng khi mà virus vẫn không ngừng biến đổi, chưa có thuốc đặc trị hiệu quả và nguồn cung vaccine còn khan hiếm. Chỉ khi tất cả những biện pháp này được triển khai đồng bộ thì mới tạo được một “lá chắn” đủ mạnh để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Điều này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết khi nhiều nước chuẩn bị bước vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

Bình luận