Lụt nghề vì chứng chỉ !

(VOH) - Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện nay quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ không xác định thời hạn.

Quy định này vô hình trung dẫn đến nhiều hệ lụy mà nếu không sửa đổi, sẽ hỏng về chất lượng, tay nghề bác sĩ khi hành nghề ! Trong khi với đặc thù ngành y, nguồn nhân lực chất xám cao là yêu cầu và đòi hỏi tất yếu.

Vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ không xác định thời hạn là câu chuyện được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại  hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật khám, chữa bệnh. Hiện nay, vì sao chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Việt Nam không có giá trị khi sang các nước ? Đến nay, chỉ còn Việt Nam và một số ít quốc gia cấp chứng chỉ theo hình thức này. Hầu như các nước đều áp dụng chuẩn với các quy định mang tính quốc tế.

Trong khi đó, xét về chứng chỉ của Việt Nam, thầy thuốc đứng tên xin cấp chứng chỉ thì rất đơn giản, chỉ cần nộp hồ sơ, trải qua giai đoạn xét rồi duyệt cấp. Một sự vô lý đến nghịch lý! Hơn thế nữa, cũng chính vì cấp một lần giá trị vô thời hạn nên qua công tác thanh kiểm tra, Sở Y tế Thành phố cũng nhiều lần phát hiện tình trạng nhiều bác sĩ đã định cư ở nước ngoài nhưng vẫn có tên hành nghề tại Việt Nam, thậm chí nhiều bác sĩ bệnh nặng, không còn đủ sức khỏe vẫn có trong danh sách đăng ký hành nghề.

Chính lỗ hỏng này dẫn đến tình trạng thuê mướn bằng bát nháo, chất lượng khám chữa bệnh cũng theo đó tuột dốc. Thử làm phép thống kê trên phạm vi cả nước về số lượng bác sĩ đứng tên trong chứng chỉ hành nghề có trực tiếp tham gia khám chữa bệnh thực tế ? Trong số đó, bao nhiêu  là ảo, hay chỉ thuê mướn bằng cấp?

Nghề y là một ngành nghề rất đặc biệt trong đó, đòi hỏi bác sĩ phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức. Kiến thức, phương pháp điều trị trong y học không phải là hằng số bất biến mà nó luôn biến đổi theo sự phát triển của khoa học công nghệ, của y học hiện đại, hay nói cách khác là luôn phát triển theo nhịp thời đại. Sự đòi hỏi gắt gao trong cập nhật kiến thức y khoa là yêu cầu lẽ ra phải bắt buộc để khi hành nghề đáp ứng tốt việc điều trị cho bệnh nhân của mình. Nếu không cập nhật, không tiếp thu cái mới thì coi như tụt hậu.

Sâu hơn nữa, khi chứng chỉ hành nghề được cấp vô thời hạn cũng đồng nghĩa sẽ làm mai một tinh thần cầu tiến của người thầy thuốc và thả lỏng luôn sự thẩm định vốn dĩ rất cần thiết.. Không quơ đũa cả nắm, nhưng quy định trong Luật như vậy thì sự lụt nghề là hoàn toàn có thật.

Ngoài vấn đề này, chợt nhớ trong lĩnh vực dược, một thực tế tréo ngoe nhưng vẫn còn tràn lan hiện nay là tình trạng cho thuê bằng dược sĩ mở nhà thuốc. Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 năm vừa qua. Thậm chí, một dược sĩ còn cho thuê bằng mở nhiều nhà thuốc cùng lúc. Điều này dẫn đến hệ lụy vô cùng nguy hiểm, khi người đứng tên một đằng, người bán một nẻo!

Ảnh minh họa

Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành được Quốc hội thông qua năm 2009, có hiệu lực thi hành từ năm 2011 tuy nhiên có thể thấy cho đến nay, vẫn còn  những điều khoản bất hợp lý, không phù hợp thực tế mà một trong số đó là việc cấp chứng chỉ hành nghề vô thời hạn với bác sĩ là một minh chứng. Với bác sĩ khi xin cấp chứng chỉ hành nghề, lẽ tất nhiên trong chứng chỉ cần phải xác định rõ thời gian.

Sau khi hết hạn, bác sĩ cần phải qua các đợt thi, sát hạch. Tiêu chuẩn càng gắt gao thì  qua đó mới sàng lọc, chọn người có đủ năng lực, trình độ theo cách “đãi cát tìm vàng”. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, chính quy định hiện nay làm bác sĩ không có ý thức nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn.

Vậy nên, sắp tới đây, nhất thiết phải có một kỳ thi do Hội đồng quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ, có giá trị chung trên phạm vi cả nước. Có cấp thì đương nhiên sẽ có thu hồi với những bác sĩ không tham gia kỳ thi sát hạch hay không đủ điều kiện. Có như thế, chứng chỉ mới thật sự có đủ độ tin cậy trước bệnh nhân, trước xã hội.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, có thể thấy thời gian qua, Bộ Y tế đang chủ trương thực hiện nhiều nội dung từ cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh cho đến sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thay đổi chính sách bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, xét về căn cơ, có bột mới gột nên hồ, sự chuẩn chất trong trình độ nghề của đội ngũ bác sĩ cần được ưu tiên quan tâm, trau dồi thường xuyên. Thấy được lổ hỗng trong quy định cấp chứng chỉ hành nghề của bác sĩ thì việc sửa đổi luật cần phải làm ngay, nếu kéo dài thì Bộ Y tế sẽ rất khó trong quản lý, kiểm soát việc hành nghề. Nếu sự cố, tai biến xảy ra, giá phải trả là tính mạng con người!

Hy vọng trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ trình Quốc hội vào tháng 1/2020 tới đây, Bộ cần điều chỉnh ngay quy định cấp chứng chỉ hành nghề quá bất cập này. Việc quản lý khoa học, tiến đến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đòi hỏi cần quyết liệt. Quyết liệt giải quyết từ gốc vấn đề khi một quy định quá nghịch lý!