Những kế hoạch mới của Trung Quốc

(VOH) - Cùng với những diễn biến nóng tại bán đảo Triều Tiên, quan hệ Mỹ- châu Âu… chuyến thăm 6 nước Trung Đông của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Diễn ra 10 ngày sau cuộc đối thoại Trung- Mỹ tại Alaska, chuyến công du của ông Vương Nghị tới Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Oman được cho là chuyển tới Mỹ nhiều thông điệp. Trung Quốc cũng không ngần ngại thể hiện một vai trò mới ở Trung Đông khi đề xuất kế hoạch mời Israel và Palestine tổ chức đối thoại cũng như đưa ra các giải pháp mới cho vấn đề hạt nhân Iran.

Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước Trung Đông và nâng quan hệ lên đối tác chiến lược với 13 nước trong khu vực này, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn ở Trung Đông. Việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm 6 nước ở Trung Đông gồm Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, UAE và Bahrain, Oman phản ánh sự quan tâm lớn của Trung Quốc với các nước trong khu vực. Saudi Arabia là điểm dừng chân đầu tiên của ông Vương Nghị, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đây thực sự là ba nước có ảnh hưởng rất lớn trong khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia ở Riyadh ngày 24-3 - Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia ở Riyadh ngày 24/3 - Ảnh: AFP

Ông Vương Nghị đã nêu lên 5 sáng kiến mà nước này mong muốn thúc đẩy hợp tác với khu vực Trung Đông. Trước hết, đó là đề xuất của Trung Quốc "ủng hộ sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng công lý và bình đẳng, đạt được mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, hợp tác để đạt được an ninh tập thể ". Trung Quốc ủng hộ sáng kiến của Saudi Arabia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Yemen. Đối với vấn đề Palestine, Trung Quốc kêu gọi hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước, nhấn mạnh sẽ gửi lời mời đến lãnh đạo Palestine và Israel tham gia đối thoại tại Trung Quốc.

Với việc dành 2 ưu tiên chính cho chuyến đi, ông Vương Nghị thể hiện một sự chuyển hướng mới trong chiến lược của Trung Quốc với khu vực chiến lược này.  Đối với Trung Quốc, Trung Đông càng trở nên quan trọng sau khi Trung Quốc thực hiện Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, hơn nữa các quốc gia Trung Đông ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Hong Kong và Tân Cương, vốn đang là những chủ đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh với Mỹ và các quốc gia phương Tây, mặc dù trong số đó có những nước là đồng minh của Mỹ và NATO.

Đáng chú ý, trong chuyến thăm lần này, ông Vương Nghị đã đưa ra sáng kiến 5 điểm để giải quyết vấn đề Trung Đông, trong đó có việc xây dựng lộ trình và thời gian biểu khôi phục thực hiện Thỏa thuận hạt nhân Iran. Nội dung chính của các sáng kiến này là nhằm thay đổi cách giải quyết các vấn đề ở khu vực Trung Đông bấy lâu nay, thể hiện vai trò chủ động hơn của Trung Quốc đối với khu vực, trong khi vẫn đảm bảo được sự “không can thiệp” vốn có - cách ứng xử được cho là gây được “thiện cảm” hơn với các lãnh đạo trong một khu vực vốn nhiều tranh cãi như Trung Đông của Trung Quốc.Theo ông Vương Nghị, đề xuất 5 điểm mà Bắc Kinh đưa ra là nhằm kêu gọi các nước trong khu vực phát huy vai trò của “người làm chủ” và tinh thần độc lập tự chủ, thoát khỏi những tranh giành địa chính trị. 

Một điểm nhấn đáng chú ý khác, đó là trong khuôn khổ chuyến đi, Iran và Trung Quốc cũng đã ký kết một hiệp ước hợp tác chiến lược 25 năm, bao gồm hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau, cũng như sự tham gia của Iran vào sáng kiến “Một con đường, Một vành đai”. Hiệp ước sẽ đóng vai trò như một lộ trình cho mối quan hệ Iran-Trung Quốc trong 25 năm tới. Dư luận khu vực cho rằng hiệp ước vừa ký giữa Trung Quốc và Iran có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông và làm suy yếu các nỗ lực nhằm cô lập Iran của Mỹ.

Việc ký kết thỏa thuận phản ánh xu hướng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực. Các bên không công bố chi tiết của hiệp ước nhưng các chuyên gia cho biết Trung Qốc sẽ đầu tư 400 tỷ USD vào hàng chục lĩnh vực hoạt động của Iran, bao gồm ngân hàng, truyền thông, cảng, đường sắt, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin trong 25 năm tới. Đổi lại, Trung Quốc sẽ có được nguồn cung dầu thường xuyên từ Iran với giá rất thấp. Hiệp ước cũng kêu gọi hợp tác quân sự sâu sắc hơn, bao gồm các cuộc tập trận chung, nghiên cứu chung, phát triển vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo.

Với những kết quả này, thông điệp mà Bắc Kinh đưa ra đó là kêu gọi các nước Trung Đông từ chối mọi sự can thiệp từ bên ngoài, kể cả Mỹ. Ngoài ra, chuyến công du này còn nhằm gửi tới các các đối trọng của Trung Quốc thông điệp rằng, các quốc gia quan trọng trong thế giới Hồi giáo và Ả Rập, bao gồm cả các đối tác của Mỹ và NATO đang muốn tách mình ra khỏi chiến dịch chính trị của phương Tây, ưu tiên phát triển quan hệ với Trung Quốc.

Những sáng kiến mà Ngoại trưởng Vương Nghị vừa nêu cũng đã cho thấy chính sách mới của Trung Quốc đối với các vấn đề “nóng”ở Trung Đông. Tuy nhiên, để thực hiện các sáng kiến hay đại kế hoạch mà Bắc Kinh đưa ra là chuyện không đơn giản. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thể hiện rõ tham vọng của họ với chuyến thăm này và chắc chắn họ không từ bỏ mục tiêu.