Quan hệ nước lớn sau đại dịch: Đồng sàng và tiếp tục dị mộng?

(VOH) -  Những ngày gần đây, COVID-19 là nguyên nhân mới nhất dẫn đến căng thẳng leo thang  trong mối quan hệ giữa Washington, phương Tây và Bắc Kinh.

Không chỉ có vậy, COVID-19 đã tác động tận ngõ ngách những trục quan hệ quốc tế lớn, khiến chia rẽ và mâu thuẫn ngày càng gia tăng. Cũng vì thế, xu hướng đối đầu giữa Mỹ, phương Tây và Trung Quốc hậu đại dịch càng trở nên rõ nét.

Nghe bài viết: 

Quan hệ Mỹ-Trung đã đột ngột trở nên căng thẳng sau khi cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều công khai sử dụng cụm từ “virus Vũ Hán” khi nói về dịch COVID-19. Mặc dù cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút lại tên gọi “virus Trung Quốc”, nhưng căng thẳng lại bùng phát khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập tới khả năng Trung Quốc cố tình tạo ra dịch bệnh COVID-19.

covid-19, virsu corona

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì. REUTERS/AFP

Đến thời điểm hiện tại, nguồn gốc chính xác của virus SARS-CoV2 khiến hơn 2,7 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, đã có những thuyết âm mưu về khả năng có bàn tay can thiệp của con người. Trung Quốc tố quân đội Mỹ mang virus đến Vũ Hán, và tờ Fox News (Mỹ) hôm 15/4 dẫn các nguồn tin tố ngược rằng virus corona có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ về nguồn gốc virus Vũ Hán và tuyên bố tạm ngừng cung cấp viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với ngân sách khoảng 450 triệu đô la/năm, với những lý do được cho là mang động cơ chính trị.

Căng thẳng Mỹ-Trung xung quanh dịch COVID-19 chỉ là một trong những  vídụ cho thấy quan hệ các nước lớn sẽ có nhiều “trục trặc” nếu không muốn nói là nhiều nguy cơ “hậu” dịch bệnh.

Mối quan hệ Pháp-Trung Quốc là một ví dụ khác. Sau sự kiện Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản đối về chiến dịch truyền thông liên quan dịch COVID-19 của Trung Quốc, ngày 16/4, trong một bài trả lời phỏng vấn trên Thời báo Tài chính Anh (Financial Times, Anh), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự hoài nghi về cách thức quản lý dịch bệnh tại Trung Quốc. Bình luận về những khó khăn của các nước châu Âu trong phòng chống dịch Covid-19 và so sánh với Trung Quốc, Tổng thống Pháp cho rằng còn nhiều vùng tối trong cách quản lý của Trung Quốc. Ông Macron đưa ra tuyên bố này sau khi Trung Quốc lên tiếng chỉ trích tình trạng quản lý dịch bệnh Covid-19 tại Pháp trên một số tờ báo xuất bản tại Trung Quốc.

Tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Australia cũng đã bày tỏ hoài nghi của Anh về cách thức xử lý dịch bệnh của Trung Quốc với hai câu hỏi cụ thể như virus Sars-CoV-2 đã xuất hiện như thế nào và vì sao loại vi rút này đã không thể được ngăn chặn sớm hơn?

Nếu ví tất cả các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới là học sinh trong cùng một lớp học thì dịch bệnh này giống như một bài thi mà qua kết quả bài làm của học sinh không chỉ phân loại được trình độ học vấn mà qua đó còn biết được cách trả bài nào là hiệu quả. Rõ ràng, uy tín và vị thế quốc tế của mỗi quốc gia tăng hay giảm tuỳ thuộc vào cách thức quốc gia ấy ứng phó với đại dịch thành công hay thất bại, kiềm chế và kiểm soát được đại dịch nhanh chóng hay chậm trễ, trả giá như thế nào để ngăn cản mức độ lây lan và hoành hành của dịch bệnh, chung sống với dịch bệnh và ra khỏi dịch bệnh như thế nào, đồng thuận và ổn định chính trị ra sao trong cuộc chiến chống dịch. Đây là những yếu tố sẽ định hình cục diện quan hệ giữa các quốc gia sau khi đại dịch qua đi.

Về lý thuyết là vậy nhưng tương lai mối quan hệ Mỹ, phương Tây với Trung Quốc nói chung… diễn biến như thế nào hậu dịch bệnh thì vẫn là những câu hỏi ngỏ chưa có lời đáp. Tất nhiên, tương lai các trục quan hệ này cũng sẽ tác động mạnh đến các trục quan hệ đồng minh bạn bè trên cấp độ toàn cầu.

Hiện có rất nhiều thảo luận về trật tự thế giới hậu COVID-19 theo nhiều hướng khác nhau. Một quan điểm cho rằng toàn cầu hoá vốn đã suy yếu sẽ càng suy yếu thêm, một quan điểm cho rằng đại dịch càng làm nổi rõ ý nghĩa của hợp tác quốc tế, tuy nhiên định nghĩa và và phát triển của toàn cầu hoá nay sẽ phải viết lại.

Việc Thủ tướng Đức kêu gọi Trung Quốc 'minh bạch' nguồn gốc virus corona hôm 20/4 thực sự là một tuyên bố chính thức nữa từ phía các nhà lãnh đạo Phương Tây. Tất nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc nhằm vào mình. Nhưng sức ép từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức nhằm vào Trung Quốc lại khiến nghĩ tới kịch bản xấu nhất trong các trục quan hệ lớn này khi thế giới kiềm chế được SARS-CoV2. Ngoại trừ Mỹ, từ trước đến nay Anh, Pháp, Đức vẫn “cần” tới Trung Quốc và ít khi chỉ trích Bắc Kinh.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 khiến đối đầu Mỹ-Trung càng thêm khó giải quyết. Bản chất của câu chuyện không phải vì dịch bệnh đến từ Vũ Hán, mà Mỹ cho rằng Trung Quốc không hành xử theo quy tắc quốc tế nên mới dẫn tới tình trạng hiện nay. Quan điểm của Mỹ là, Trung Quốc phảo chấp nhận tuân thủ các quy tắc quốc tế, yếu tố quan trọng hơn cả bình diện kinh tế và cạnh tranh công bằng.

Đại dịch COVID-19 sẽ là một sự kiện làm thay đổi lịch sử, nhưng nó sẽ đưa thế giới đến đâu? Trong báo cáo mới mang tựa đề “Chân trời” (On the horizon), cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) cho rằng dịch COVID-19 sẽ tác động dài hạn đến địa chính trị châu Á. Hiện, đã xuất hiện những quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ trỗi dậy mạnh hơn sau “cú sốc” Vũ Hán. Tuy nhiên còn quá sớm để Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo khu vực và toàn cầu. Kết quả các cuộc thăm dò của Pew công bố tháng 2/2020 cho thấy Trung Quốc bị bỏ lại sau Mỹ về mức độ lòng tin trên toàn cầu, thậm chị còn tụt xa hơn so với Nhật Bản ở châu Á về mức độ ủng hộ.

Đã có những nhận định rằng dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung và đẩy quan hệ song phương vượt khỏi tầm kiểm soát. Bởi trước khi dịch bệnh bùng phát, cuộc cạnh tranh này đã mở rộng tới tất cả các phương diện của các mối quan hệ từ kinh tế, quân sự, ngoại giao cho đến tư tưởng và dự báo sẽ đẩy nhanh sự chia tách giữa hai nền kinh tế khiến hai chính phủ và người dân hai nước mất lòng tin vào nhau.

Cập nhật Covid-19 ngày 24/4: Toàn cầu hơn 2,7 triệu người nhiễm, gần 745.000 ca khỏi - Tính đến 6h ngày 23/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 2.714.366 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra, ...