Nhìn lại 15 năm thực hiện theo NQTW5 khóa 8, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc tại TP.HCM với chủ đề “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - thực trạng và giải pháp”. Hội thảo đã thu hút sự quan đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cấp quản lí và văn nghệ sĩ.
15 năm - một quãng thời gian không dài cho dòng chảy văn học nghệ thuật nhưng cũng đã đạt được những thành tựu nhất định. Có nhiều tác phẩm Văn học nghệ thuật có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của công chúng thưởng thức nghệ thuật. Các tác phẩm đã phản ánh chân thực sự nghiệp của nhân dân ta trong Cách mạng và kháng chiến, trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng tổ quốc.
Đặc biệt, những sản phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc đều ghi nhận và thể nghiệm thành công bước đầu, là kết quả đáng trân trọng của gần 30 năm đổi mới văn học nghệ thuật. Bên cạnh những thành tựu nhất định, một thực trạng lớn mà văn học nghệ thuật thời gian qua đối diện đó là: chưa có nhiều tác phẩm hay, tác phẩm đạt đỉnh cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Phó giáo sư - Tiến sĩ Đào Duy Quát - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận phê bình nghệ thuật Trung ương nhận xét:
Văn học nghệ thuật không như bài toán một cộng một bằng hai, mà tác phẩm sẽ được ra đời khi hội đủ những yếu tố cần thiết. Tài năng bẩm sinh, vốn sống của người nghệ sĩ và xã hội sẽ góp phần tạo nên tác phẩm lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh việc mỗi văn nghệ sĩ phải rèn luyện bản thân trong thực tiễn thì vốn sống dường như đang là bước cản để có tác phẩm hay. Tài năng thời nào cũng có, và luôn có những người “sống chết” với nghề, song không phải lúc nào cũng có tác phẩm văn học nghệ thuật đạt đỉnh cao. Có thể nói yếu tố kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến tài năng. Song song đó, người viết thì không nên làm quản lí vì điều này vô hình chung biến họ thành những người sáng tạo nghiệp dư vì không thể toàn tâm toàn ý cho việc cầm bút. Đồng thời, cần phải làm lành mạnh hóa đời sống phê bình cho sự phát triển của văn học nghệ thuật và cần tập trung, giới thiệu được đúng tài năng, giao đúng việc. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, TPHCM luôn có những biện pháp để kéo giảm nghịch lý trên và cũng là để góp phần điều chỉnh sáng tác, điều chỉnh thị hiếu, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm tốt. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi thực tế đến Trường Sa, Trường Sơn giao lưu thì thành phố cũng đã dành nhiều sự hỗ trợ cần thiết khác cho các văn nghệ sĩ. Ông Nguyễn Văn Đua - phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM tổng kết:
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, những đánh giá xác đáng về thực trạng sáng tạo văn học, nghệ thuật, nêu lên những lý giải thuyết phục về nguyên nhân, những đề xuất khả thi về giải pháp để phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đất nước và nhân dân trong thời kỳ mới. Ông Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình nghệ thuật TW nhấn mạnh:
Hy vọng rằng trong thời gian tới, văn học nghệ thuật cả nước nói chung và TPHCM nói riêng sẽ có những bước phát triển tích cực, có nhiều tác phẩm đỉnh cao, phục vụ nhu cầu của công chúng.