Muốn làm nhà văn phải có hiểu biết rộng, cảm xúc lớn

(VOH) - Nhà văn Nguyễn Thế Quang người nhận giải C Cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”.

Sau hơn mười năm bén duyên cùng văn chương (2010-2020), nhà văn Nguyễn Thế Quang đã trình làng 4 tác phẩm, tất cả đều là tiểu thuyết lịch sử: "Nguyễn Du" (năm 2010); "Khúc hát những dòng sông" (năm 2012); "Thông reo Ngàn Hống" (năm 2015); "Đường về Thăng Long" (năm 2019). Các tác phẩm này đều nhận được sự đón nhận của độc giả và đánh giá cao của giới chuyên môn. Cụ thể, nhà văn Nguyễn Thế Quang được Giải A Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV (2005-2010) dành cho tiểu thuyết "Nguyễn Du"; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015, Giải thưởng văn học ASEAN năm 2016 dành cho tiểu thuyết "Thông reo Ngàn Hống"…

VOH đã phỏng vấn nhà văn, nhà giáo đến từ quê hương Nghệ An, Nguyễn Thế Quang, người đã vinh dự nhận giải C Cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” dành cho tác phẩm "Khúc hát những dòng sông",

Nguyễn Thế Quang
Nhà văn Nguyễn Thế Quang, đã nhận giải C Cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”.

*VOH: Thưa ông, trước khi đến với văn chương thì ông là nhà giáo. Vậy không biết cái duyên nào đưa ông đến với nghiệp văn chương?

Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Từ nhỏ, tôi đã nuôi ước vọng là trở thành nhà văn. Tôi thật sự bắt tay vào viết một số truyện ngắn, một số thơ, thế nhưng càng viết càng thấy mình chưa nói những điều mình cần nói. Sau đó, tôi đọc nhiều tiểu thuyết của các nhà văn và tìm hiểu công việc thì thấy rằng muốn làm nhà văn, thì phải có hiểu biết rộng, có cảm xúc lớn, nên tôi dừng lại. Suốt 40 năm dạy học, tôi vừa say mê giảng dạy cho học sinh tôi vừa tích lũy kiến thức của mình để đến khi về hưu thì tôi mới có điều kiện để viết nó thành trang sách và chuyển đến những người bạn đọc thân yêu của mình. Có thể nói rằng là, không có nghể dạy học thì tôi khó có thể trở thành nhà văn và tôi trở thành nhà văn cũng chính bắt đầu từ nghề dạy học. Cho nên có thể nói đó là cái duyên cái nghiệp của tôi vậy.

*VOH: Những tác phẩm ông xuất bản là những tác phẩm ông viết về lịch sử, tiểu thuyết lịch sử. Chọn đề tài lịch sử là đề tài khó nhưng tại sao ông lại chọn đề tài lịch sử cho văn nghiệp của mình?

Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Trước hết qua dạy học, qua đời sống, tôi thấy bao nhiêu học sinh của mình hiểu về lịch sử rất ít, thậm chí có những sai lệch. Tôi cũng rất tâm đắc với câu nói của nhà văn Đaghextan rằng là “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, cho nên là tôi lựa chọn tiểu thuyết lịch sử để có thể tâm sự với các học sinh của mình, với đồng nghiệp của mình, với bạn đọc nhiều hơn. Thứ hai, tôi là nhà giáo nên vốn sống về cuộc sống hiện đại không nhiều, mà khi mình không hiểu nhiều thì mình không hiểu được. Cho nên tôi thấy tiểu thuyết lịch sử là phù hợp với khả năng sở trường, sở đoản của mình hơn.

*VOH: Trong sự nghiệp sáng tác của ông có tác phẩm cũng rất hay, đó là tác phẩm viết về người mẹ. Đặc biệt tác phẩm này cũng được giải C cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm Văn học nghệ thuật về chủ đề là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dành cho "Khúc hát những dòng sông"; viết về bà Hoàng Thị Loan. Vậy không biết ông có chịu áp lực nào không khi viết về nhân vật này?

Nhà văn Nguyễn Thế Quang: có thể nói rằng từ trong sâu thẳm tâm hồn của mình, tôi luôn luôn kính trọng người mẹ. Và như cả nhân loại cũng hiểu rằng là người mẹ là hình tượng cao đẹp nhất của cả nhân loại. Cho nên cuộc đời tôi cũng như những gì diễn ra xung quanh thì tôi gặp rất nhiều bà mẹ lớn. Có thể đó là điều gốc của tác phẩm này. Thứ hai, trong quá trình đi dạy, tiếp xúc với hàng nghìn học sinh, thì tôi rất vui có những học sinh trưởng thành may mắn nhưng đồng thời cũng rất buồn vì có rất nhiều học sinh bất hạnh. Và tôi hiểu điều là vai trò của người mẹ vô cùng quan trọng. Một điều nữa thực tế hiện nay quả thật rất nhiều điều đáng buồn. Có thể nói rằng là rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay lo làm cho con sướng, muốn cho con giàu, chứ còn việc giáo dục con không đúng mức. Cho nên có thể nói rằng là, chính từ cả sự kính trọng người mẹ, cả nỗi lo về thực tại này, đã làm cho tôi dốc lòng viết cuốn này. Khi viết cuốn này thì một số nhà văn lớn cũng khuyên tôi không nên viết. Lí do họ nêu ra thế này: viết về người mẹ rất khó. Trong văn học thế giới thì cũng chỉ mới có tác phẩm Người mẹ của Maxim Gorky, văn học Việt Nam cũng chỉ có Người mẹ cầm súng viết về chị Út Tịch đánh giặc. Còn người mẹ dạy con nên người chưa thấy tác phẩm nào viết được. Nhưng tôi có trả lời là: đời em chưa viết được về người mẹ là em còn mắc nợ. Cho nên có thể nói sau hai năm dồn sức, đi thực tế, đọc bao nhiêu sách, trăn trở suy nghĩ rất nhiều thì tôi mới viết được quyển Khúc hát những dòng sông. Có thể nói đây là toàn bộ tâm huyết, toàn bộ tình cảm của tôi, đối với cuộc đời, đối với người mẹ, và đối với thế hệ trẻ hiện nay.

*VOH: Ông chia sẻ thông điệp trong tác phẩm Khúc hát những dòng sông mà ông sáng tác?

Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Ở Khúc hát dòng sông tôi muốn nói với mọi người nhất là các bậc làm cha làm mẹ hết sức lo dạy bảo con. Suy nghĩ của bà Loan, làm mẹ, đẻ con ra, phải nuôi dưỡng con đã đành nhưng nuôi dạy con nên người là điều hệ trọng hơn hết. Không lo dạy con, không biết dạy con, để con hư hỏng, thì đau lòng mình mà còn làm hại cả làng xã. Cha ông đã dạy “đức hiền tài mẫu”, để con hư người mẹ thật có tội với mọi người và có tội với ngay cả con của mình. Có thể nói đây là câu mà suốt 40 năm đi dạy, tôi đã rút ra điều đó. Còn ở cuốn sách này, thì ngoài việc làm mẹ ra còn vấn đề tôi muốn nói nữa, đó là làm cho học sinh, cho mọi người hiểu bố mẹ mình, biết ơn bố mẹ mình. Cho nên chương vĩ thanh ở tác phẩm này, thì tôi đã nói rất rõ hình tượng của Nguyễn Ái Quốc đứng bên bờ sông Sanit suy nghĩ về người mẹ. Khi tìm được con đường cứu nước, Ông đã ơn mẹ vô cùng: mẹ ơi mẹ là tất cả, mẹ là ngọn nguồn của những điều tốt đẹp mà con đã làm được. Thì đó là thông điệp lớn nhất của Khúc hát những dòng sông, mà tôi muốn truyền đến các em, truyền đến tất cả mọi người.

*VOH:  Nhân đầu năm mới, chúc ông sức khỏe và có nhiều tác phẩm gửi đến cho độc giả. Cảm ơn ông!