Hội nhà văn TPHCM: Trao giải thưởng văn học năm 2020

(VOH) - Sáng 19/2, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học năm 2020 và kết nạp hội viên mới.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19, buổi lễ tổ chức trong không khí gọn nhẹ, ấm cúng, thân tình gồm Ban chấp hành Hội, các tác giả đoạt giải và các hội viên mới.

Sau chia sẻ của nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, là phần công bố quyết định giải thưởng.

Các tác giả nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020. Từ trái qua: đạo diễn Xuân Phượng, họa sĩ Bùi Quang Lâm và nhà thơ Cao Xuân Sơn
Các tác giả nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020. Từ trái qua: đạo diễn Xuân Phượng, họa sĩ Bùi Quang Lâm và nhà thơ Cao Xuân Sơn

Giải thưởng Văn học năm 2020 được trao cho các tác giả và tác phẩm:

1. Gánh gánh gồng gồng - Tác giả Xuân Phượng - Hồi ký - NXB Văn Hoá - Văn Nghệ;

2. Bấm chân qua tuổi dại khờ - Tác giả Cao Xuân Sơn - Thơ - NXB Hội Nhà Văn;

3. Đất K - Tác giả Bùi Quang Lâm - Truyện ký - NXB Hội Nhà văn.

 Tặng thưởng:

1. Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối - Tác giả Huỳnh Dũng Nhân - Hồi ký - NXB Tổng hợp TP.HCM;

2. Đoản khúc chiều phù dung - Tác giả Vũ Văn Song Toàn - Tập truyện ngắn - Nhà xuấn bản Trẻ;

3. Đi tìm mỹ cảm văn chương – Tác giả Trần Hoài Anh – Tiểu luận – Phê bình – NXB Hội Nhà Văn.

Trong ba tác giả được trao giải thưởng, điều bất ngờ là hai tác phẩm hồi ký – truyện ký của hai tác giả chưa là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Đó cũng là điều thật thú vị, bởi văn chương luôn là điều bất ngờ.

Một điều khác cũng khá đặc biệt, tác giả Xuân Phượng, sinh năm 1929, ở tuổi 90, bà vẫn cần mẫn với sáng tạo nghệ thuật. Tiền thân của tác phẩm “Gánh gánh... Gồng gồng...” là “ÁO DÀI” - hồi ký viết bằng tiếng Pháp, đã được Nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris. Sách đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan. Mùa Covid-19 đầu năm 2020, bà có một quyết định: Đã mười chín năm qua với bao cuộc đổi thay. Đã đến lúc viết lại đời mình bằng tiếng Việt như một món quà tình thân gởi đến những người thân mến quanh tôi...”. Bà viết để kết nối yêu thương: “Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua. Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại Đời Tôi”.

Nếu “Gánh gánh...Gồng gồng...” gợi lên vẻ đẹp của tâm hồn, sự kiên định của  người phụ nữ đi qua giông tố một thế kỷ đầy biến động, đau thương của đất nước thì “Đất K” của Bùi Quang Lâm là những hồi ức chưa xa của những ngày hậu chiến khó khăn, biên giới hai đầu đất nước bị xâm phạm. Nước mắt khóc con của những bà mẹ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ chưa kịp khô; những người mẹ tần tảo lo từng cái ăn cái mặc cho gia đình lại tiễn những đứa con ra chiến trường ác liệt. Độc giả yêu mến “Đất K” vì sự chân thật, vì cái duyên kể chuyện lúc tếu táo sặc cười, lúc làm người ta rơi nước mắt vì những nốt lặng nhân sinh, những nổi trôi, chìm khuất số phận con người.

“Bấm chân qua tuổi dại khờ” là tập thơ duy nhất được trao giải thưởng năm 2020 của Hội Nhà văn TP,HCM. Như chia sẻ của nhà văn Trầm Hương – Phó chủ tịch Hội Nhà vănTP HCM tại buổi trao giải thưởng, “Ẩn đằng sau vẻ ngoài hầm hố, bậm trợn của người đàn ông không còn trẻ nữa là trái tim đa cảm, mềm yếu, mong manh của Cao Xuân Sơn”. Anh đã tự hoạ chân dung mình:

“Anh. Gã đàn ông lênh khênh, vạm vỡ

Đủ tự mình làm núi ngắm mình chơi

Kỳ thực, trái tim anh đầy gió

Hoang mang mềm yếu nhất đời”

Hội nhà văn TPHCM: Trao giải thưởng văn học năm 2020 2
2 tác giả nhận tặng thưởng

Cao Xuân Sơn cũng xúc động với lòng biết ơn khi nhận giải thưởng cho tập thơ này ở tuổi 60. Hạnh phúc của người cầm bút chính là khi tác phẩm của mình đến với bạn đọc, được sự đồng cảm, yêu thương.

Sau lễ trao giải thưởng, Hội nhà văn TP HCM cũng kết nạp 21 hội viên mới.