Trong những năm qua, các di tích đã và đang phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, đồng thời gắn kết du lịch, tạo sự phát triển chung của thành phố…trong đó chắc chắn phải nhắc đến Khu di tích Ngã Ba Giồng.
Ngã Ba Giồng (còn có tên gọi đầy đủ là Ngã Ba Giồng Bằng Lăng) nằm trên địa phận thôn Xuân Thới Tây, được hình thành từ những năm 1698 đến năm 1731. Từ lâu, Ngã Ba Giồng là 01 địa danh có tên gọi dân gian đã đi vào lịch sử của quê hương 18 thôn vườn trầu Hóc Môn – Bà Điểm.
Tục truyền rằng xưa kia nơi đây là 01 vùng đất giồng tương đối cao ráo và là nơi mọc nhiều cây bằng lăng nên địa danh này có tên gọi từ đó.
Với ý nghĩa lịch sử thiêng liêng của Ngã Ba Giồng, nơi ghi dấu tội ác của chiến tranh, nơi thể hiện ý chí chiến đấu bất khuất kiên cường và sự hy sinh cao cả của chiến sĩ, đồng bào ta sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940).
Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), huyện Hóc Môn nhanh chóng khôi phục và tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng Ngã ba Giòng nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ thanh thiếu niên.
Ngày nay đây là một khu tưởng niệm lưu giữ những hiện vật, hình ảnh lịch sử, những câu chuyện lịch sử oai hùng về những con người, vùng đất của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 để ghi nhớ tinh thần quật cường chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa này.
Năm 2002, di tích này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Tại đây có các công trình chính bao gồm đền tưởng niệm, cụm tượng đài trường bắn, cụm tượng đài bất khuất, cụm tượng đài vô danh.
Nhà trưng bày nơi bảo tồn các hiện vật, hình ảnh về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quê hương Hóc Môn anh hùng. Cảnh quan với hệ thống cây xanh thảm cỏ, đường tre, đường trúc, các cụm vườn trầu cau, đường cây bằng lăng, khu vực hồ sen xanh mát.
Hướng dẫn viên Nguyễn Thị Hoa thông tin thêm: Cổng chính bước vào bên tay trái là cụm tượng đài chiến sĩ vô danh được thiết kế theo phong cách trừu tượng và hiện đại. Những chiến sĩ không có đầu, không có lồng ngực, thể hiện sự hy sinh cả khối óc lẫn con tim. Đối diện là cụm tượng đài bất khuất thể hiện tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Với những giá trị văn hóa, cảnh quan, di tích Ngã Ba Giồng trở thành điểm tham quan, nơi tổ chức lễ hội truyền thống trong những ngày lễ lớn hàng năm của huyện Hóc Môn và thành phố đặc biệt là lễ kỷ niệm ngày Nam kỳ Khởi nghĩa (23/11).
Ở đây cũng thường tổ chức các hoạt động lễ dâng hoa, dâng hương, kết nạp đảng, đoàn, đội, sinh hoạt dã ngoại, về nguồn, cắm trại.
Trong không gian xanh mát âm vang lịch sử với nhiều cảm xúc bồi hồi, Ngã Ba Giồng thích hợp để tổ chức về nguồn tìm hiểu lịch sử đấu tranh của người dân Nam Bộ.
Sinh viên Kim Ngân, trường Đại học Gia Định bày tỏ: “Những buổi tham quan này giúp em học hỏi tiếp thu thêm kiến thức và hiểu biết nhiều hơn về đất nước Việt Nam.”
Cô giáo Thùy Trâm cảm nhận sau chuyến tham quan Ngã Ba Giồng: tham quan xung quanh nổi bật có vườn trầu và những hàng cau, cảnh quan ở đây có những hàng tre, tre là một cái vũ khí của quân dân ta trong những cuộc khởi nghĩa.”
Theo lãnh đạo Sở du lịch TPHCM, Du lịch di sản văn hóa là một trong 7 trụ cột phát triển ngành du lịch của thành phố. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du khách quốc tế có xu hướng tham quan di sản văn hóa chiếm khoảng 38%, số lượng tăng khoảng 15% hằng năm. Tại Việt Nam 57% du khách quốc tế và 28% khách nội địa có nhu cầu tham quan di sản văn hóa.
Văn hóa là nền tảng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nhưng một số di tích văn hóa ở thành phố chưa được khai thác hết tiềm năng. Nếu có phương án đầu tư tốt thì đây sẽ là những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.