Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tản mạn về ông Ba Mươi (P2)

(VOH) - Những sự tích về cọp thì có rất nhiều, những tích này cũng như bóng dáng ông Ba Mươi ngày càng mất dần trong tự nhiên vì người ta ngày càng săn bắt, nuôi dưỡng, thuần hóa chúng.

Không chỉ ở miền Nam mà ngay cả ở miền Bắc, rất nhiều đình làng, miếu mạo cũng có thờ ông Ba Mươi hay chí ít cũng có tượng Hổ bằng sành, đất để thờ cúng.

Ở lăng Trần Thủ Độ ở tỉnh Nam Định có thờ một tượng ông Hổ bằng đá vôi. Ở đền Thánh Trần Hưng Đạo - TPHCM cũng có thờ ông Hổ vàng to tướng, uy nghi.

Theo năm tháng, hầu như những đình miếu tại các vùng thôn quê người ta thường dựng tượng ông Hổ ở ngoài cửa như là một vị thần canh cửa. Có nơi còn thờ cả phiên bản hổ thật đã được nhồi bông đặt trong tủ kiếng để khách thập phương đến cúng. Đình miếu cũng có bức vẽ hoặc phù điêu đắp nổi hình cọp để thờ “ông” vì người dân tin rằng nếu cọp thật đến, thấy hình chúa sơn lâm trên tường là biết “đất đã có chủ”, vì vốn lẽ cọp là giống họ mèo chuyên đánh dấu lãnh địa mình cai quản bằng nước tiểu để không con cọp khác dám vào xâm chiếm. Vì thế, nhân gian có câu “rừng nào cọp nấy”.

Cọp là giống họ mèo chuyên đánh dấu lãnh địa mình cai quản bằng nước tiểu để không có con cọp khác dám vào xâm chiếm.
Cọp là giống họ mèo chuyên đánh dấu lãnh địa mình cai quản bằng nước tiểu để không có con cọp khác dám vào xâm chiếm.

Theo văn hóa truyền thống từ Trung Quốc, thì Hổ được coi là biểu tượng của sự may mắn và đem cho người ta nhiều nỗi sợ hãi và cả sự kính trọng, tôn sùng. Được chọn làm con giáp thứ 3 trong 12 con giáp những người sinh năm Dần thường được ví là có cá tính giống như cọp: khẳng khái, thẳng tính, tôn trọng lẽ phải, không chịu nịnh nọt, luồn cúi. Người xưa nhận định phụ nữ tuổi Dần cao số, khó lấy chồng, nhưng thật ra, chỉ đúng phần nào vì cũng có cô tuổi Dần mà chồng con đề huề, sống hạnh phúc suốt đời.

Trước đây, ở miền Nam đón năm mới, người ta thường đi “đổ bác” tại bàn “bầu cua cá cọp”, trên bàn đặt có các cửa là bầu, cua, cá, cọp… để người chơi đặt tiền. Nhưng cửa đặt có hình ông Ba Mươi có lẽ do sợ thất lễ với ông nên người ta đã thay hình ông bằng hình con nai. Từ đó, người ta cũng kêu đi lắc “bầu cua cá cọp” nhưng nào có thấy hình con cọp nào đâu!

Thông thường cọp chỉ vồ từ đằng sau con mồi nên cọp săn mồi bằng cách bò thật sát đến từ phía sau con mồi. Khi khoảng cách trong cự ly đảm bảo bắt được mồi thì bất ngờ cọp vọt lên phóng nhanh lên lưng cắn vào gáy con mồi, ghì chặt chờ đến khi con mồi đuối sức ngã xuống mới cắn vào cổ họng cho con mồi nghẹt thở chết.

Từ đó, người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đi rừng thường có tục vác chà gạt (một loại cây đầu nhọn như mũi giáo) trên vai, mũi nhọn luôn hướng về phía sau. Cọp biết nếu vồ sau lưng con mồi thì sẽ bị đầu nhọn chà gạt đâm nên không dám tấn công lén.

Người ta tin rằng, người nào bị cọp ăn thịt thì hồn không siêu thoát được mà phải theo hầu con cọp đó (gọi là hổ trành). Hổ trành thường xúi thân nhân ra nộp mạng cho cọp để thế chỗ cho hồn cũ đi đầu thai kiếp khác.

Ngày xưa đi coi hát bội, cải lương ở thôn quê thường rủ nhau đi xem hát mà “coi cọp” có nghĩa bóng là đi coi “chùa”, coi ké mà không mua vé. Có người cho rẳng nghĩa “coi cọp” xuất phát từ chữ “copy”. Nhưng thật ra có một truyền thuyết về việc đi coi “cọp” các tuồng hát.

Vùng U Minh, Cà Mau có thành ngữ “Dưới sông cá lội, trên rừng cọp đua” “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”. Người dân làm lụng khổ cực chỉ có thú vui là đêm về đi xem các gánh hát đến làng, xã mình diễn.

Để khỏi bị “hùm tha, sấu gắp”, dân làng dựng sân khấu giữa sông, theo kiểu nhà sàn, cột bằng cừ tràm, lợp lá dừa nước. Xung quanh lại đóng cừ như hàng rào dưới nước để cá sấu không thể vào được. Người xem bơi thuyền đến, ngồi trên thuyền xem hát cho an toàn. Vậy mà trên bờ, cọp cũng tụ lại cả bầy, cùng nằm xem hát với bà con.

Khi gánh hát dọn đi, thỉnh thoảng người ta vẫn còn thấy lũ cọp nằm như chờ gánh hát quay lại để diễn cho chúng xem. Từ đó thành ngữ đi “coi cọp” để chỉ kẻ chuyên đi coi hát chui, coi ké không mua vé.

Tản mạn về ông Ba Mươi (P2) 2
Tiêu bản hổ tại một chùa ở Hà Nội

Cọp trong tự nhiên có tuổi thọ độ 30 tuổi, còn cọp nuôi thì chỉ sống được khoảng 25 năm. Cọp trưởng thành nặng nhất độ ba trăm ký.

Ngày nay, số cọp bị giảm vì môi trường sinh sống của chúng bị thu hẹp, nguy hại nhất là bị con người săn bắn để lấy da, móng vuốt và xương nấu cao. Vì theo Đông y thì từ cọp người ta có thể bào chế ra nhiều phương thuốc quí hiếm như xương cọp nấu cao hổ cốt… Song chính vì việc săn bắt cọp lấy da và xương để làm thuốc nên cọp tại các nước châu Á đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Điều mà nhiều quí ông tin tưởng đó là hổ là loài có đời sống tình dục mạnh mẽ. Chính vì khả năng thể hiện “phái mạnh” này, hổ đực một ngày có thể giao phối hàng chục lần nên nhiều người tin rằng “pín cọp” là loại thuốc tráng dương cho quí ông nào cần tẩm bổ. Đây cũng là một lý do mà người ta săn lùng giết hại hổ trong tự nhiên.

Năm 2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ diễn ra tại Nga, 13 quốc gia có phân bố tự nhiên của hổ, bao gồm: Bhutan, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan và Việt Nam đã cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã trên thế giới vào năm 2022 với kinh phí đầu tư gần 350 triệu USD.

Hội nghị đã chọn ngày 29/7 hàng năm làm Ngày quốc tế về bảo tồn Hổ để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn cho loài hổ vốn đang đứng bên bờ tuyệt chủng do sự săn bắn hổ trái phép quá mức.

Tuy nhiên, trong khi các quốc gia khác đã đạt được thành công nhất định trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã như ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Nga và Trung Quốc, giúp đưa số lượng hổ trên toàn cầu từ khoảng 3.200 cá thể (năm 2010) lên ít nhất 3.890 cá thể (năm 2016) thì tại Việt Nam đang phải đối diện với khả năng hổ đã tuyệt chủng trong tự nhiên.

Hình ảnh của ông Ba Mươi nay chỉ còn trong tâm thức nhiều người hoặc nếu muốn thấy ông thì chỉ có thể vào Thảo Cầm Viên hay các khu bảo tồn. Số lượng hổ hoang dã của Việt Nam còn tại các khu bảo tồn ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Vườn Quốc gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray và Yok Đôn.

Tiêu bản hổ tại một chùa ở Hà Nội
Tiêu bản hổ tại một chùa ở Lạng Sơn

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong hơn 10 năm qua, số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam đã tăng mạnh từ 97 cá thể (năm 2010) lên tới 364 cá thể (2021) tại 22 cơ sở, chủ yếu là các trang trại và sở thú tư nhân.

Dù tất cả cơ sở này đều đã được đăng ký hoặc đặt dưới sự quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để nuôi hổ “không vì mục đích thương mại” nhưng đối chiếu với các điều kiện và mục tiêu của hoạt động “nuôi hổ bảo tồn”, ENV cho rằng không có bất cứ cơ sở nào trong những cơ sở nuôi nhốt hổ tại Việt Nam đang thực hiện hoạt động này.

Quan điểm này cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định năm 2012 khi tiến hành đánh giá các cơ sở nuôi nhốt hổ: “hiện nay, các cơ sở không phân biệt được các phân loài hổ, việc nuôi nhốt chung giữa các phân loài dẫn đến di truyền cận huyết, lai chéo giữa ba phân loài hổ, thế hệ F1 sinh ra không có khả năng thích nghi và không có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ tự nhiên ở Việt Nam

Ít ai biết rằng trái với Cọp trong tự nhiên, Cọp được nuôi dưỡng trong cũi thì ngán ngẫm làm cái việc duy trì nòi giống. Không biết có phải là do bị bó gối trong “cũi” mà cọp trở nên “yếu sinh lý” đi hay do thức ăn do người cung cấp làm cho cọp “yếu” đi. Cũng có ý kiến cho rằng lý do cận huyết di truyền nên làm cọp chán ngán chuyện “vợ chồng”.

Còn chuyện cọp chán ăn trong cũi là chuyện bình thường, có một vườn thú ở Nga có nuôi một con hổ Siberi tên là Amur, thấy ông Ba Mươi chán ăn, ủ ũ, sở thú này cho rằng ông không hài lòng với thức ăn hiện tại nên đã thả một con dê (sau này đặt tên là Timur) còn sống vào chuồng hy vọng làm “ông” hài lòng.

Tuy nhiên, hôm sau các nhân viên vườn thú không tin được cảnh tượng trước mắt, ông Amur không làm thịt, mà làm bạn với dê Timur khi con dê liên tục bám riết lấy hổ ta. Amur còn hào phóng nhường chổ ngủ có mái che cho dê để ra ngoài trời nằm. Tình bạn giữa Amur và dê Timur kéo dài trong suốt một năm, sau đó thì chú dê Timur qua đời. Thế mới biết ở trong cũi thì tình cảm vẫn cần hơn thức ăn và Amur buồn vì thiếu bạn chứ không phải vì miếng ăn!

Chuyện về ông Ba Mươi thì còn nhiều, nhưng ngày nay cuộc sống càng hiện đại thì cọp ngày càng biến mất dần và cũng thay đổi rất nhiều so với trước kia. Thời gian hay đổi, môi trường sinh sống thay đổi sẽ làm các loài động vật thay đổi, cho dù có là “chúa sơn lâm” thì cũng phải biến đổi theo thời gian mà thôi. Những truyền thuyết về ông Ba Mươi chỉ còn lại là những câu chuyện kể nghe chơi để nhớ lại một thời huy hoàng của ông, nhất là trong mùa xuân mang tên ông.

Bình luận