Ngày trước, nói đến con số ba mươi thì trong tâm thức người đi làm thường liên tưởng ngay đến ngày cuối tháng, đó là ngày lãnh lương của khá nhiều người, nếu là tháng cuối năm thì đó cũng là ngày lãnh thưởng Tết.
Lịch âm thì 30 thường là ngày cuối cùng của năm hay còn gọi là ngày của “năm cùng, tháng tận”, thế nên người ta cho là con số 30 là con số “độc” như những người mang tuổi Dần.
Ngày 30 tháng chạp là cái ngày mà từ già đến trẻ, từ lớn đến bé đều cảm nhận về ngày này với rất nhiều cảm xúc. Dù chỉ 24 tiếng đồng hồ như những ngày khác nhưng cái ngày 30 nó lại để trong trí nhớ mỗi người nhiều ấn tượng.
Đặc biệt năm nay, đón Tết Nhâm Dần 2022 tức năm “con cọp” mà nhân gian có người gọi ông là ông Ba Mươi.
Ta tìm lý giải xem giả thuyết nào là hợp lý khi gọi con giáp thứ ba trong 12 con giáp là ông Ba Mươi?
Một truyền thuyết lâu đời gọi là ông Ba Mươi là do tục lệ tế thần Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm, có từ thời Văn Lang nước ta. Theo một truyện trong sách Lĩnh Nam chích quái, người Văn Lang xưa gọi thần cây cối, là Xương Cuồng. tức thần cây Chiên Đàn - một loài cây “trải qua hằng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người, hại vật, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người”.
Phải chăng vì là loài thú có thể ăn thịt người mà người xưa gọi cọp là ông Ba Mươi như thần Xương Cuồng? Truyện này từ Lĩnh Nam chích quái tức là sách viết về những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam. Do đó, bản truyền này nếu có những điều khác thường là điều dễ hiểu. Người xưa giải thích những chuyện khác thường bằng vào cảm tính chứ không bằng lập luận hay lý trí.
Một bản truyền khác cho rằng ngày xưa trên trời có một người tên là Phạm Nhĩ khỏe mạnh lạ thường. Do có phép thần thông biến hóa, không một ai chịu nổi một cú đấm thôi sơn của ông. Từ đó, ông ngày một kiêu căng tự phụ, lại lấy làm bực tức vì mình danh tiếng nổi như cồn mà vẫn không được Ngọc Hoàng trao cho một chức tước xứng đáng.
Ngày nọ, Phạm Nhĩ nghĩ rằng mình nên làm vua nhà Trời mới phải, bèn tụ tập quanh mình một số bộ hạ gây náo loạn Thiên đình, rắp tâm hạ bệ Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sai các tướng nhà Trời ra ngăn chặn, nhưng không vị nào đối địch với Nhĩ được lâu. Cuối cùng, Ngọc Hoàng phải cầu cứu đến Phật tổ.
Đức Phật hiện ra giữa thinh không, Phạm Nhĩ xông lên toan dùng sức đánh, không ngờ sa ngay vào túi thần của Đức Phật và bị bắt. Đức Phật giao Nhĩ cho Ngọc Hoàng xử trí, căn dặn Ngọc Hoàng phải làm cho Nhĩ hối lỗi chứ đừng giết hại. Ngọc Hoàng bèn đày Nhĩ xuống phàm trần làm kiếp con vật.
Tuy nhiên, thể theo lời dặn của Đức Phật, Ngọc Hoàng phong cho Phạm Nhĩ làm Chúa tể sơn lâm nơi trần thế. Tuy ông đã mất đi tài phép nhưng vẫn giữ được một sức khỏe vô địch khiến muôn thú khiếp sợ. Cho đến bây giờ, dòng dõi nhà ông vẫn nối nhau làm Chúa tể sơn lâm. Từ sự tích này mà ra tên gọi, ngày xưa hễ có ai săn được hổ thì nhà vua thưởng cho 30 quan tiền, nhưng vua cũng bắt người đó phải chịu 30 roi để cho vong hồn Phạm Nhĩ được thỏa mà không tác quái nữa. Từ đó ngay loài người cũng phải kiềng mặt, không dám gọi thẳng tên “hổ” mà gọi tránh là “ông Ba Mươi”.
Cũng có dị bản cho rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy đuổi, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế mà thoát chết. Về sau, khi lên ngôi, vua Gia Long ban lệnh lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn, dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ.
Tục truyền, vua ban lệnh cấm giết hổ, nếu kẻ nào lỡ tay giết chết thì bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là ông Ba Mươi.
Hay thời vua Minh Mạng, do ác thú hay ra quấy phá, hại người, vua sai bộ binh cử lính thiện xạ đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận trừ ác thú. Mỗi người lĩnh 100 viên thuốc đạn, giết được một con cọp được thưởng 15 quan, sau tăng lên 30 quan. Nếu bắn hụt, căn cứ vào số đạn hao phí mà phạt đánh roi.
Từ những dị bản khác nhau ở trên cho ra những giải thích khác nhau về tên gọi Ba Mươi nhưng tựu trung có thể giải thích về tên “Ba Mươi” xuất phát từ con số 30 là thật, còn đó là tiền thưởng, roi phạt hay ngày cúng giỗ thì tùy theo dị bản truyền lại. Trên thực tế, có một điều chắc chắn rằng Cọp là một nỗi lo sợ cho những người đi đường rừng.
Hơn một thế kỷ trước, dân cư ở Nam bộ còn thưa thớt. Rừng rậm còn nhiều, thú hoang trong rừng đầy rẫy. Ban đêm, cọp ra ven rừng đi kiếm mồi làm không chỉ các loài thú phải ẩn nấp mà ngay cả con người khi trời chập chạng tối thì đã cửa đóng, then cài, không ai dám ra đường vì sợ cọp vồ.
Tương truyền từ các câu chuyện kể về cọp vồ người ở những cánh rừng Nam Trung Bộ đã làm nên những câu thành ngữ như “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, hay “Cọp núi Lá, cá sông Hinh” để ám chỉ ngày xưa ở núi Lá có nhiều cọp và ở sông Hinh nhiều cá. Đặc biệt là vùng Đồng Nai thời hoang sơ nổi tiếng với hai câu thơ: “Đồng Nai xứ sở lạ lùng/ Dưới sông cá lội, trên rừng cọp um”.
Cọp sinh sống trong rừng, chuyên ăn thịt sống. Thức ăn của cọp là nai, mễn, heo rừng… Có khi cọp cũng mò xuống suối để rình bắt cá. Khi thiếu thức ăn, cọp liều lĩnh vào làng để bắt gia cầm của con người và tấn công cả người để ăn thịt. Từ đó, người dân sợ hãi cọp đến độ không dám nói thẳng tên, mà phải gọi trớ đi. Nào là ông Ba mươi, ông Ba cụt, ông Ba ngoe, ông Thầy, ông Hổ, chúa Sơn lâm… sợ rằng nhắc đến tên húy của ông thì sẽ bị cọp vồ, cọp tha.
Từ nỗi sợ hãi quá mức dẫn đến sự tôn thờ ông để mong được yên ổn, bình an. Ở các tỉnh Nam Bộ có rất nhiều miếu thờ được lập ra để thờ ông Ba Mươi, hay chí ít cũng có chổ lập tượng ông để người dân cúng, vái. Hầu hết các ngôi đình ở Đồng Nai đều có miếu hay bàn thờ Cọp với các tên gọi như Hổ thần, Mãnh hổ Sơn quân, Bạch Hổ, Chúa Sơn Lâm... Ở Bến Tre còn lấy tên ông đặt cho những địa danh như Giồng Ông Hổ, Giồng Rọ (một loại bẫy cọp), bưng Hai Hổ, miếu Ông Hổ...Từ đó, tạo thành một tín ngưỡng dân gian của những người di dân.
Vào miền Nam lập nghiệp, trong quá trình khẩn hoang, tâm lý lo sợ gặp nạn khi thấy ông đã khiến cho họ thờ Cọp, tôn Cọp lên chức ông Cả của làng xóm để mưu cầu một cuộc sống bình yên. Hằng năm, ở đình khi diễn ra lễ cúng tế, tại bàn thờ thần Hổ người dân thường được cúng bằng thịt heo.
Những điều tâm linh ấy phản ánh một cuộc đấu tranh chống lại thế lực thiên nhiên khi dám đi “phá sơn lâm”, tạo dựng cuộc sống của mình từ những bước đầu tiên đi mở cõi.
(Còn tiếp)