Tết Giáp Thìn, nói chuyện múa lân sư rồng

VOH - Múa lân - sư - rồng từ lâu được xem là loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian được nhiều người dân ưa thích vào mỗi dịp lễ, Tết. Xuân năm Giáp Thìn, chúng ta cùng tìm hiểu về nghệ thuật này.

Trong những ngày tết xưa, múa lân, sư, rồng luôn là hoạt động được đông đảo người dân chờ đón, từ con trẻ đến người già, háo hức chuẩn bị những phong bì màu đỏ chờ đoàn lân đến múa chúc tết, mong cầu sự khởi đầu thịnh vượng.

Theo quan niệm của dân gian, hình ảnh của lân – sư - rồng tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc,  thịnh vượng và mang đến nhiều điềm lành trong năm mới.

mua-lan
Lân – sư - rồng tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc

Vậy nên, cứ vào dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu, khắp đường làng ngõ xóm đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh lân, rồng hay ông Địa với điệu múa vừa vui nhộn vừa mang ý nghĩa tâm linh. Đây là loại hình nghệ thuật có ở nhiều nước châu Á, đã du nhập vào Việt Nam từ rất lâu.

Nghệ nhân Nhân dân Lưu Kiếm Xương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam cho biết múa lân có những tiếng trống, kẻng, chiêng phối hợp trong bản hòa tấu tạo không khí phấn khởi, vui vẻ. Con lân tượng trưng cho may mắn, hòa thuận, hanh thông. Vì ý nghĩa đó, người ta thường đón chào, mời đoàn lân đến để mừng năm mới cát tường như ý. 

Múa rồng xuất hiện muộn hơn múa lân và múa sư, được chia thành ba loại: Rồng tơ được chế tạo bằng vải gắn chặt vào cây cứng để múa; rồng tròn được làm bằng giấy cứng, rồng cứng chỉ dùng để rước, khiêng, chứ không biểu diễn.

Ở Việt Nam, rồng còn là hình ảnh mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống no cơm, ấm áo cho Nhân dân. Đối với Nhân dân Việt Nam, những người tự hào mình là con rồng, cháu tiên, thì rồng còn hình ảnh cội nguồn của dân tộc.

Múa rồng Múa lân hoặc sư chỉ cần hai người, nhưng múa rồng thì phải có nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại. Múa rồng cần phải có 6 đến hơn 20 người để điều khiển, để phô diễn sức mạnh thần oai của rồng.

Tết Giáp Thìn, nói chuyện múa lân sư rồng 2
Múa rồng cần nhiều người phối hợp

Cùng với kỹ thuật công phu của người biểu diễn, hình ảnh oai phong, sống động của tạo hình lân cũng góp phần làm cho những bài múa có thần thái, có sắc thái riêng. Chỉ với những đốt tre trúc được vót tỉa, uốn ghép nhưng thể hiện được đầy đủ nét phong tráng, hùng tướng, thần sắc oai vệ, cảm xúc tươi vui của những linh vật trong nghệ thuật lân sư rồng.

Anh Trần Thanh Quan - đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường cho biết nhìn con lân có cảm xúc hay không là quan trọng nhất ở khâu vẽ, nhất là ở ánh mắt. Lân dữ thì vẽ mắt sắc, lân hiền thì vẽ đằm xuống, ít sắc đỏ...

Hiện nay, các tiết mục múa lân - sư - rồng đã có nhiều cải tiến, thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có của nó. Múa lân - sư - rồng có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật võ cổ truyền, múa dân gian, múa dân tộc đi kèm với các bài quyền, pháp, thể công.

Chương trình múa lân - sư - rồng có nhiều tiết mục như múa cờ khai đắc thắng, múa nhang, múa võ theo nhạc, thổi lửa, nhào lộn, múa lân, múa rồng, múa song sư hí cầu, múa chồng la hán, võ thuật, nội công, múa lân dũng tiến – Mai Hoa Thung, lân leo cây - Đỉnh thượng kim ngưu. Ngoài ra, có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả ba thể loại với nhau.

Vào dịp Tết kéo dài đến hết tháng Giêng, các đoàn lân sư rồng tại TPHCM luôn tất bật, nhộn nhịp chuẩn bị phục vụ cho mùa khai trương, mừng năm mới. TPHCM có tới hàng chục đoàn múa lân sư rồng được thành lập. Ngoài phục vụ các dịp tết Nguyên Đán, Nguyên tiêu, Tết Trung thu... các đoàn thường xuyên tổ chức thi đấu, biểu diễn để so tài với nhau. 

Âm thanh rộn ràng, những hình ảnh rực rỡ của đoàn lân làm cho tết thêm đượm vị. Lòng người cũng vì vậy thêm chộn rộn, vui tươi, đầy năng lượng bắt đầu năm mới.

Bình luận