Góp ý chủ đề Đại hội Đảng bộ TP: Kết nối nông nghiệp thông minh trong đô thị thông minh

(VOH) - Ông Từ Minh Thiện – Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM

Thành ủy TPHCM đã công bố dự thảo (lần 1) báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhằm lấy ý kiến từ các ban Đảng, các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cử tri, người dân thành phố.

Ông Từ Minh Thiện – Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM

Về lĩnh vực nông nghiệp được đề cập trong văn kiện, ông Từ Minh Thiện – Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến:

- Hiện nay TP đã lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp trọng điểm, đó là thế mạnh của ngành nông nghiệp TP. Do điều kiện của TP là đất chật người đông, giá trị đất rất cao, vì vậy chọn sản phẩm nông nghiệp trọng điểm sẽ giúp chúng ta có những bước phát triển có trọng tâm.

Tuy nhiên, việc phát triển những sản phẩm này phải theo một chuỗi giá trị của sản phẩm và phải làm hoàn chỉnh theo từng sản phẩm từ yếu tố đầu vào cho đến cách thức sản xuất, vấn đề thu mua, phân phối và bảo quản sau thu hoạch, vấn đề chế biến và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng.

Trong những chuỗi sản phẩm đó chúng ta phải làm được vấn đề truy xuất nguồn gốc cho những sản phẩm đó. Có thể có nhiều ứng dụng hiện nay chúng ta có thể làm được như là sử dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc hoặc để nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị sản phẩm đó.

Thứ hai, điều kiện thành phố đất chật người đông do đó cần xây dựng những mô hình kinh doanh cho ngành nông nghiệp thành phố - tức là chúng ta không chỉ sản xuất sản phẩm nông nghiệp đơn thuần mà phải kết hợp nông nghiệp thành phố với những hình thức khác.

Ví dụ như kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch, kết hợp giữa nông nghiệp với hướng nghiệp, nông nghiệp với giải trí,… Rất nhiều cái mà chúng ta có thể kết hợp được như là kết hợp với những năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời… để làm sao cho ngành nông nghiệp thành phố trở thành một nơi có thể kết hợp với các hình thức khác nhằm tăng giá trị gia tăng và mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, cần có nhiều chính sách hơn nữa trong việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng nông nghiệp thông minh. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu vào khâu sản xuất, còn nông nghiệp thông minh thì lại tập trung nhiều hơn vào khâu quản lý quá trình sản xuất kinh doanh.

Ví dụ như chúng ta phải có hệ thống thông tin thị trường nông sản để cung cấp thông tin để người nông dân, người sản xuất và những doanh nghiệp họ có thể tự quyết định được sản phẩm của họ bán vào thời điểm nào, bán cho ai và bán như thế nào, bán cho thị trường nào là hiệu quả nhất.

Ngoài ra cũng cần có hệ thống hỗ trợ sản xuất để giúp cho người nông dân có những quy trình tốt và họ có thể nắm được những vấn đề liên quan đến kỹ thuật sản xuất để quá trình sản xuất được hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có hệ thống về quản lý đất đai để chúng ta bảo đảm được quy hoạch vùng và chúng ta có thể nắm được hiệu quả và sử dụng đất, chúng ta xem những loại đất như vậy sẽ phù hợp với những loại cây trồng nào, sản phẩm nào phù hợp để chúng ta có cách tác động để nâng cao giá trị hàm lượng dinh dưỡng hoặc hiệu quả sử dụng đất được nâng lên. Việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ làm cho người tiêu dùng yên tâm hơn, hoặc sản phẩm nông nghiệp nếu xuất khẩu đi có thể được truy xuất nguồn gốc, bảo đảm và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế…

Đây chính là những vấn đề tôi nghĩ trong nhiệm kỳ tới, nhiệm kỳ mà chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, vấn đề của những tiêu chuẩn nông sản được xây dựng lên từ các nước… nó liên quan đến chất lượng, bảo đảm sự an toàn, sự bảo hộ của các nước, vấn đề về biến đổi khí hậu, dịch bệnh chúng ta không lường được.

Song song đó, chúng ta cũng có những thuận lợi, ví dụ những hợp tác của chúng ta trong khối ASEAN đã mở ra cho chúng ta nhiều thị trường, nhiều triển vọng để chúng ta có thể mở rộng ra khả năng tiêu thụ của chúng ta. Vấn đề ở đây làm sao cho những thông tin phải được cụ thể, có giá trị mang lại cho người sản xuất và cho những doanh nghiệp chứ không phải những thông tin cung cấp cho có.

- TPHCM hiện đang phát triển đô thị thông minh thì làm sao cho những hoạt động nông nghiệp của chúng ta nó phải ứng dụng công nghệ về trí tuệ nhân tạo, trong đó có kết hợp với big data và chúng ta có thể làm sao cho việc hợp tác, việc kết nối giữa nông nghiệp thông minh ở trong đô thị thông minh thì nó mới nâng cao được hiệu quả của hướng phát triển đô thị thông minh cũng như nâng cao được đời sống của người dân.

Chúng ta có một thị trường rất cần đội ngũ khoa học kỹ thuật và chúng ta có những thông tin về giao lưu với nhiều quốc gia trên thế giới, tạo cho chúng ta có những điểm sáng và cần tận dụng điểm sáng này, tập trung phát triển. Dĩ nhiên định hướng hiện nay của chúng ta vẫn sẽ phát triển về giống, dịch vụ trong nông nghiệp, nhưng những vấn đề mà tôi có đề cập và đề xuất ở trên, sẽ giúp cho thành phố chúng ta có thể tiến nhanh hơn và chúng ta có thể bắt kịp nhịp đập của thế giới.

Bình luận