Mỗi ngôi nhà là một cột mốc biên giới

(VOH) - Biên giới là phên dậu quốc gia, biên giới có hòa bình, ổn định thì đất nước mới phát triển được.

Chính vì vậy, trong giai đoạn 2019 – 2025, Quân khu 7 đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, hướng tới việc tạo thế liên hoàn, hỗ trợ, tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia; là tâm điểm dân cư sinh sống tại biên giới, để nhân dân tự quản đường biên, cột mốc, mỗi người dân là một cột mốc sống trấn giữ biên cương.

Mỗi ngôi nhà là một cột mốc biên giới

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh và Thiếu tướng Lê Bửu Tuấn bàn giao nhà cho các hộ dân. Ảnh: báobinhphuoc

Tuyến biên giới trên địa bàn xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước một buổi sáng tháng 9 trở nên rộn ràng ấm áp bởi những ngôi nhà đong đầy tình nghĩa quân dân. Đó là vì buổi lễ khánh thành 2 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay đóng góp.

Ngay từ rất sớm, những người dân của dự án đã có mặt tại lễ khánh thành và bàn giao nhà, trong niềm hân hoan phấn khởi vì sắp được an cư lạc nghiệp.

Thiếu tá chuyên nghiệp Điểu Thật – đồn biên phòng Bù Gia Mập, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước chia sẻ: "Bản thân tôi rất vui khi được Đảng và Nhà nước, Bộ Tư lệnh Quân khu quan tâm giúp đỡ. Tôi sẽ cố gắng học tập, vận động bà con nhân dân nơi đây chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động nhân dân phối hợp với cán bộ biên phòng và các lực lượng dân quân, công an tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc".

Trong năm 2019, tỉnh Bình Phước tổ chức xây dựng 2 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Đó là điểm dân cư Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh và điểm dân cư Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Mỗi điểm dân cư xây dựng 5 căn nhà cấp 4 với kinh phí 120 triệu đồng/căn do Quân khu 7 vận động cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp hỗ trợ. Người được thụ hưởng là cán bộ, chiến sĩ dân quân và công an viên có hoàn cảnh khó khăn chưa có nhà ở thuộc địa bàn xã.

Đại tá Nguyễn Quốc Bình – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước cho biết thêm: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, hiện nay Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã khảo sát được 6 điểm nữa, sẽ trình Tỉnh ủy và báo cáo Quân khu năm 2020 trong giai đoạn 2 tiếp tục xây dựng để bố trí cụm dân cư, và tiếp tục phát triển 5 cụm dân cư này lên 10 căn, 15 căn. Chúng tôi thấy rằng, người dân thụ hưởng trên 3 huyện này rất vui mừng. Chưa bao giờ họ được đầu tư đất 5.000m2

/hộ và căn nhà 72m2, tiền công 40 triệu cộng tiền của Quân khu hỗ trợ 90 triệu, địa phương 30 triệu, tổng cộng một căn nhà 170 triệu, người dân rất phấn khởi".

Còn tại tỉnh Tây Ninh, Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện Đề án và nhận được sự đồng tình của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ dân quân và người dân ở vùng biên giới. Ông Vương Quốc Thới – Bí thư Huyện ủy Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh nhận định: "Được sự đồng tình của cả hệ thống chính trị và người dân, mỗi người dân biên giới được hỗ trợ các điều kiện, kết hợp với phát triển kinh tế, ổn định sinh hoạt sẽ tạo sắc diện mới cho đời sống nông thôn".

Cách cột mốc biên giới chỉ 1 km, từ khi triển khai thực hiện đề án, đường điện đã kéo về đến tận chốt dân quân Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) và các gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng của đề án, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các bộ chiến sĩ, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, từng bước để nhân dân thực sự quản đường biên cột mốc. Anh Trần Thanh Tùng – dân quân chốt Bến Cừ xúc động bày tỏ: "Trước sự quan tâm của Quân khu 7 cấp nhà đất cho chúng tôi, riêng bản thân tôi rất xúc động và phấn khởi. Gia đình tôi được an cư lạc nghiệp và kết hợp với anh em trong chốt bảo vệ đường biên giới".

Các địa phương thuộc địa bàn Quân khu 7 là những địa bàn chiến lược, trọng điểm vùng phía Nam của Tổ quốc, với hơn 615 km đường biên giới tại 3 tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước tiếp giáp với các tỉnh của Campuchia. Qua nghiên cứu thực địa cho thấy, phần lớn các chốt, đồn biên giới thuộc địa bàn Quân khu đều xa khu dân cư, vì thế thiếu các điều kiện hạ tầng cơ bản như điện, nước, đường giao thông, dẫn đến những khó khăn nhất định cho người dân sinh sống tại khu vực này. Tình hình thực tế đòi hỏi cần thiết có biện pháp khuyến khích, tạo tiền đề xây dựng các cụm dân cư trên toàn tuyến biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới. Chính vì vậy, tháng 4/2019, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ban hành đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”. Theo đề án, giai đoạn 2019-2025,  toàn địa bàn Quân khu sẽ xây dựng 60 điểm dân cư liền kề tại 60 chốt dân quân để bố trí người dân đến sinh sống, vừa tăng gia sản xuất, vừa tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.

Đến thời điểm này, tỉnh Bình Phước và Tây Ninh đã hoàn thành giai đoạn 1 về thực hiện Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Các chốt dân quân thường trực với sự đồng hành, tiếp sức từ các hộ dân tại các điểm dân cư biên giới sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, chung tay bám đất giữ làng, giữ biên cương. Đại tá Nguyễn Văn Trứ - Chủ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh: "Xác định đây là điểm sáng trên vùng biên giới để góp phần xây dựng đường biên ổn định, hòa bình, hữu nghị và với quyết tâm đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã xây dựng đúng tiến độ nhà liền kề và sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy – Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục xây dựng 4 khu dân cư khác của huyện Bến Cầu và Tân Uyên để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Quân khu, hoàn thành đúng tiến độ".

Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là một chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng chiến lược lâu dài nhằm hình thành lực lượng tại chỗ lấp đầy tuyến biên giới, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, tăng cường sức mạnh phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa. Với chủ trương này, từ những điểm dân cư ban đầu sẽ phát triển thành những cụm, khu dân cư đông đúc trù phú quanh khu vực biên giới. Việc triển khai thành công Đề án trên thực tiễn sẽ tạo tiền đề, cơ sở quan trọng, bài học kinh nghiệm để các cấp, ngành tiếp tục bố trí dân cư tuyến biên giới, tăng cường lực lượng, giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.