Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn Thành phố đã đạt được những kết quả tốt, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thành phố. Công tác xã hội hóa ngành y tế thu được những kết quả tích cực, hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh, đa dạng nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân. Bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của thành phố triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước. Mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến thành phố vẫn còn do đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhân lực y tế chưa được đáp ứng đầy đủ. Tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế ở một số cơ sở y tế vẫn còn hạn chế. Do vậy theo dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành phố đặt ra các mục tiêu như là đến cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/ 10 ngàn dân, 42 giường bệnh/10 ngàn dân; đến cuối năm 2025, xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%. Bên cạnh đó cũng sẽ đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế, thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, chú trọng công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách và người nghèo.
Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM
Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng.
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác y tế dự phòng theo ông Lê Quang Thụ, ngụ ở quận Bình Thạnh nêu ý kiến:
Tôi đồng tình với dự thảo báo cáo khi thành phố có đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực và phát triển đồng bộ hệ thống các cơ sở khám bệnh chữa bệnh theo hướng phát triển chuyên sâu. Công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng thực hiện mạng lưới phòng chống bệnh tật, các chương trình mục tiêu y tế dân số được triển khai đầy đủ. Song là một thành phố mà mật độ dân cư dày đặt, cơ cấu dân số luôn biến động, nơi lui tới của nhiều người trong đó có không ít người mắc các loại bệnh truyền nhiễm, do đó cơ cấu bệnh tật cũng hết sức phức tạp, đặc biệt là những căn bệnh xã hội, những căn bệnh dễ lây nhiễm dễ bùng phát thành dịch bệnh đại trà. Nhìn lại đại dịch Covid 19 trên thế giới, dù nước ta đang chống dịch rất tốt nhưng nếu chủ quan lơ là thì không biết việc gì sẽ xảy ra nhất là ở Thành phố lớn như là TPHCM.
Dự thảo có tự đánh giá hạn chế yếu kém trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là tình trạng quá tải ở các bệnh viện, tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế ở 1 số cơ sở y tế còn hạn chế nhưng dự thảo chưa nhấn mạnh đến công tác y tế dự phòng như thế nào hay là thành phố của chúng ta đã làm tốt rồi, tôi nghĩ là chưa chắc lắm đâu. Vì sao?
Qua theo dõi lâu nay, tình trạng ô nhiễm môi trường sống của thành phố như thế nào có phải đã đến lúc báo động hay chưa, không khí không tốt, rác thải ứ đọng, chôn lấp bừa bãi, kênh nước ứ đọng hôi thối, đầu tư mảng xanh thì chưa được quan tâm, vệ sinh an toàn thực phẩm thực tế kiểm soát ra sao? Vì vậy tôi nghĩ Đảng bộ TPHCM cần quan tâm đánh giá sát đáng hơn về vấn đề phòng bệnh như ông cha ta nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Các vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân thành phố từ vật chất đến tinh thần nếu không được giữ vững để sơ suất xảy ra vấn đề gì thì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, nhất là dịch bệnh thì hệ quả sẽ rất lớn.”
Về phát triển nhiệm vụ sắp tới của thành phố năm 2025 và tầm nhìn năm 2030 thì ông Thu rất tâm đắc với dự thảo khi nâng cao sức khỏe cho người dân cả về tầm vóc lẫn tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống, trong đó nêu nhiều công việc phải thực hiện. Song có một nội dung là chủ động ứng phó kiểm soát kịp thời với các dịch bệnh, triển khai có hiệu quả phong trào nâng cao sức khỏe, tôi cho đó là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên mà Đảng bộ hết sức quan tâm, các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các tổ chức quần chúng và mỗi hộ gia đình, mỗi người dân phải cần được thường xuyên thực hiện, quan tâm để chúng ta yên tâm với tình hình phức tạp, khó lường với những cơn dịch hiện nay và trong tương lai.
(Ông Lê Quang Thu, quận Bình Thạnh)
Tăng cường hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học nhiều hơn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Đổi mới sáng tạo và phát triển Khoa học công nghệ đã và đang được TPHCM xác định là động lực cốt lõi để thúc đẩy nhiều nhiệm vụ chính trị, kinh tế, cải cách hành chính, y tế, văn hóa giáo dục. Đảng và Nhà nước từ lâu cũng đã xác định phải cạnh tranh bằng KHCN và tri thức chứ không thể bằng con đường nào khác để đưa đất nước phát triển trong thời kì mới. Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kì 2020-2025 dành nhiều nội dung quan trọng để tập trung cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội. Việc tập trung được thể hiện qua những con số rất cụ thể, ví dụ dự thảo xác định chi cho đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân 1% tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP). Đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G, robot, công nghệ sinh học, chuỗi khối (block chain), internet vạn vật, vật liệu mới và các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 khác. Phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ.
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về tăng cường hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, sinh viên Nguyễn Minh Anh - Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM có ý kiến:
Tôi đã đọc qua dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Là một sinh viên ở lĩnh vực khoa học tự nhiên tôi rất mừng vì dự thảo lần này, xác định rõ mức chi cho lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo khoa học công nghệ của TP bình quân sẽ là 1% GRDP. Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng bộ TP, quyết tâm thúc đẩy sáng tạo và khoa học. Hơn nữa, tôi thấy ở phần III các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, ở các mục 1, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, mục 2 phát triển văn hóa xã hội đồng bộ phát triển kinh tế và mục 3 phát huy nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị thì mục nào cũng gắn liền với hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ. Và khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực này cũng nằm trong 4 chương trình phát triển TP.HCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Từ việc xác định thế này, tôi hy vọng hoạt động đổi mới sáng tạo và Khoa học công nghệ sẽ được hà hơi tiếp sức mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Điều tôi muốn đóng góp là từ chủ trương, quyết sách đó, Thành phố sẽ triển khai cụ thể như thế nào? Bản thân tôi tôi mong muốn TP tạo môi trường, có cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học nhiều hơn nữa trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo(AI), trong đó TP nên đặt ra đầu bài nghiên cứu AI cho sinh viên nghiên cứu sát với nhu cầu thực tế. Cần có cơ chế quy đổi thời gian nghiên cứu thành thời gian học tập hay biến các đề tài nghiên cứu khoa học trở thành tín chỉ học tập để tạo môi trường cho sinh viên phát triển. Bên cạnh đó TP nên khắc phục những cơ chế, chính sách còn rườm rà phức tạp. Ví dụ làm nghiên cứu khoa học là đôi khi đi tìm những cái chưa biết, thậm chí chưa định hình, nhiều thứ phát sinh trong khi đó khâu xác định nguồn kinh phí hỗ trợ đôi khi yêu cầu phải dự toán chính xác từng khâu một nên cũng khó cho người nghiên cứu khoa học ở giai đoạn đầu.
(Sv Nguyễn Minh Anh - Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM)
Nghiêm khắc xử lý vi phạm bản quyền tác phẩm.
Theo Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đánh giá: Văn học nghệ thuật TPHCM trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua đã có bước phát triển khá toàn diện. Hoạt động sáng tạo, sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học nghệ thuật được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả; nhiều khuynh hướng sáng tác, biểu diễn nghệ thuật lành mạnh, tích cực được phát huy. Tuy nhiên, một trong những mặt hạn chế mà dự thảo đưa ra là tình hình vi phạm bản quyền tác giả, tác phẩm, in lậu, bán sách giả vẫn còn diễn ra phức tạp.
Về thực trạng vi phạm bản quyền, tác quyền hiện nay; nhà thơ Trần Trí Thông, Đảng ủy viên Đảng bộ phường 5, quận Gò Vấp có ý kiến:
Thực trạng vi phạm bản quyền, tác quyền thơ ca hay các loại hình nghệ thuật khác trong thời gian gần đây là điều nhức nhối và đáng phê phán. Trước hết, những người vi phạm là những người thiếu tự tin, họ không tôn trọng bản thân họ và sự lao động sáng tạo nghệ thuật của người khác. Sáng tạo ở loại hình nghệ thuật nào cũng là sự đầu tư, tìm tòi của tư duy trí tuệ. Một số vụ vi phạm bản quyền, tác quyền thời gian qua dù dưới hình thức nào như "tái bản không xin phép”, “ghi tên mình vào tác phẩm cầm nhầm",… đều rất đáng phê phán. Lạ là những trường hợp vi phạm bản quyền, tác quyền khá phổ biến ở những người có năng khiếu và tư duy sáng tạo còn hạn chế mà họ lại muốn mình nổi tiếng. Nhưng cuối cùng, điều họ nhận được từ độc giả và người hâm mộ chỉ là những cụm từ “người đạo văn thơ” hay “người đạo nhạc” mà thôi.
Tôi nghĩ rằng cần sự minh bạch cho các tác phẩm sáng tạo khi phát hành, khi in ấn phải có thời gian cụ thể để các tác giả tự bảo vệ mình. Thứ hai, hiện nay trên các phương tiện truyền thông, báo chí, phát hành,... nhiều người làm nhiệm vụ biên tập, thẩm định có trình độ hay sự am hiểu còn hạn chế nên thường để “lọt lưới” tác phẩm, xảy ra với cả những tác giả đã thành danh và những tác giả mới vào nghề. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước và luật pháp còn chưa triệt để và chưa nghiêm khắc với các vụ việc vi phạm bản quyền, tác quyền. Chúng ta nên có tòa án văn hóa để xét xử, làm rõ các vụ vi phạm hoặc có trang web riêng của Cục quản lý nghệ thuật, bảo vệ tác quyền để bạn đọc, người dân tố cáo tệ nạn vi phạm công sức lao động sáng tạo nghệ thuật của những tác giả chân chính. Làm tốt được việc này thì chúng ta sẽ hạn chế hoặc dập tắt được tệ nạn vi phạm bản quyền, tác quyền hiện nay.
(Nhà thơ Trần Trí Thông, P5 Quận Gò Vấp)
Về công tác an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM:
Nhìn lại 5 năm qua, chính quyền và các cơ quan chuyên môn của thành phố, bằng nhiều cách, đã nỗ lực để làm tốt các mục tiêu, những giải pháp được đặt ra nhằm đảm bảo ổn định đời sống kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của thành phố. Tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025, đối với lĩnh vực này, người dân cũng rất quan tâm. Một người dân ở quận Bình Thạnh có ý kiến:
Nổi bật trong thời gian qua, có thể thấy một số kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của thành phố được tập trung vào các địa bàn trọng điểm và các loại tội phạm nguy hiểm có tổ chức, băng ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm có yếu tố nước ngoài hay tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt là qua thông tin báo chí, tôi còn biết được, các cơ quan chức năng của thành phố còn triệt phá, đánh tan âm mưu phá hoại của nhiều đối tượng, tổ chức trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, với vị trí và vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, TPHCM vẫn là địa bàn trọng điểm phá hoại của các thế lực thù địch. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn và phát sinh nhiều nguy cơ.
Thêm một số vấn đề khác trong lĩnh vực an ninh trật tự mà tôi nghĩ rằng, Đảng bộ thành phố cần tiếp tục lưu tâm. Đó là tai nạn giao thông tại TP. Hồ Chí Minh dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; tình hình ùn tắc giao thông đã từng bước kiểm soát nhưng rất dễ xảy ra khi có các sự cố hoặc tai nạn giao giao thông do hệ thống hạ tầng giao thông đã quá tải.
Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân và hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mọi người dân.
Tình trạng mất trật tự lòng lề đường vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ.
Rồi trong lĩnh vực xây dựng, trường hợp xây dựng không phép, sai phép diễn ra phổ biến, nghiêm trọng trong thời gian dài ít nhiều gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và phát triển đô thị. Nhất là trong giai đoạn gần đây, khi thành phố quyết liệt xử lý đối với các trường hợp này, nhiều vụ việc phát sinh đã làm mất ổn định tại một vài khu vực.
Do đó, tôi kỳ vọng rằng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ, nhiều mục tiêu mới cao nhưng gần gũi hơn, bám sát thực tế hơn nhằm xử lý kịp thời, giải quyết triệt để, thấu đáo để đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững sự bình yên của TP, tạo môi trường thuận lợi để mọi người dân thành phố có cơ hội thuận tiện làm ăn, sinh sống và học tập để góp phần xây dựng và phát triển thành phố nói riêng, cả nước nói chung.
(Một người dân quận Bình Thạnh)
Cập nhật COVID-19: Thế giới có hơn 135.000 người mắc, gần 5.000 ca tử vong - (VOH) - Tính đến 6 giờ sáng 13/3 , trên toàn Thế giới có hơn 135.000 người mắc, gần 5000 ca tử vong. Việt Nam có 44 người mắc, Bình Thuận có số ca mắc cao nhất 9 ca.