Tăng cường kiểm tra giám sát phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng

(VOH) - Kiểm tra, giám sát ngăn chặn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn và nhiệm vụ được giao để trục lợi cũng như để xây dựng nội bộ đoàn kết trong sạch vững mạnh.

Câu chuyện vào tối 30 Tết Canh Tý năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình mẹ con chị Tín ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự là bởi dù sắp đến giao thừa, thời khắc quan trọng của một năm đối với mỗi người, mỗi gia đình Việt Nam mà Bác, một nguyên thủ quốc gia lại đến thăm người gánh nước thuê đổi gạo nuôi 4 đứa con.

Giá trị của câu chuyện chính là trao đổi sau đó của Người với các đồng chí trong Bộ Chính trị:

“Ta có chính quyền trong tay nhưng chính quyền đó chưa thực sự vì dân. Một số lãnh đạo địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước”.

Các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được công khai kết quả kiểm tra xử lý các vụ việc.

Những hiện tượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong đội ngũ cán bộ các cấp từ câu chuyện trên đang là thực trạng tồn tại ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác kiểm tra giám sát chính là để ngăn ngừa thực trạng này: quan liêu, tiêu cực, nhũng lạm trong bộ máy.

Kiểm tra, giám sát là một khâu quan trọng trong quy trình lãnh đạo của Đảng. Nếu công tác kiểm tra, giám sát ở các cơ quan, đơn vị, địa phương được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên và đi vào nề nếp thì chất lượng thực thi công vụ tăng lên. Ngược lại, nếu tiến hành lỏng lẻo, "đánh trống bỏ dùi" thì trở thành "bình phông" cho những việc làm sai trái, trục lợi của cán bộ, làm cho nhân dân mất niềm tin.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, thời gian qua, việc kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được tăng cường nhất là từ sau Đại hội XII.

Nhiều hành vi sai phạm, vi phạm kỷ luật, pháp luật của công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương bị đưa ra ánh sáng, dư luận lên án và phải nhận những hình thức kỷ luật, bị pháp luật nghiêm trị đúng người, đúng tội. Thậm chí có trường hợp đã về hưu mà vẫn phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm mình đã gây ra khi còn đương chức.

Trong 6 tháng đầu năm 2020 đã thi hành kỷ luật đối với 186 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xử lý nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội Đảng các cấp, góp phần phục vụ công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm tra, giám sát vừa qua được làm mạnh ở cấp Trung ương nhưng ở một số cơ quan, đơn vị, các địa phương và nhất là cơ sở, nhìn chung công tác này chưa được công khai rộng rãi trong dư luận.

Làm thế nào để kiểm tra, kỷ luật Đảng mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước là câu hỏi nhiều người không chỉ trong Đảng mà trong xã hội quan tâm và băn khoăn, trăn trở.

Hiện nay, khi toàn Đảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường kiểm tra, giám sát, chấp hành kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên là cần thiết và quan trọng. Nó không chỉ giúp các chủ trương chính sách của Nhà nước được ban hành rộng rãi đến mọi người dân mà còn giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt, thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao, có hiệu quả, đúng quyền hạn, chức trách và pháp luật.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan công quyền, trước tiên phải quán triệt mạnh mẽ và sâu sắc về những quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên và công, viên chức cùng những quy định về xử lý kỷ luật đối với các hành vi sai phạm.

Các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó chú trọng mở rộng dân chủ gắn với giám sát và phản biện xã hội; Siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong thực hiện đầu tư dự án, chính sách, sự vụ liên quan đến tài chính, tài nguyên, khoáng sản…

Công tác kiểm tra cần phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng kiên quyết và đẩy nhanh tiến độ xử lý những vụ việc vi phạm, lợi dụng chức quyền, lỗ hổng cơ chế để trục lợi cá nhân, kịp thời phát hiện và cho ra khỏi bộ máy những thành phần, đối tượng mang nặng chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng danh nghĩa tổ chức Đảng để trục lợi cá nhân, gia đình, bà con dòng họ.

Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như Đại hội Đảng các cấp, công tác kiểm tra giám sát càng cần phải thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ minh bạch cùng với công tác tổ chức cán bộ ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực chính ngay trong nội bộ; Không bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng.

Chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, lắng nghe phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật dân chủ, công minh, công bằng chính là biện pháp tối ưu để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức liên tục học tập, tự rèn luyện, chấn chỉnh để không bị cuốn vào kinh tế thị trường và đánh mất chính mình vì những “viên đạn bọc đường”, hướng tới xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: “Quận 10 cần phát huy 3 động lực để phát triển, đó là kinh tế, văn hóa, chính trị” - (VOH) - Trong giai đoạn 2015-2020, Quận phát triển mới 8.450 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp toàn quận lên gần 10.400 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư là hơn 116.100 tỷ đồng.

Minh Đạo