Tình người nơi mảnh đất đang hồi sinh

(VOH) - Gặp gỡ, trò chuyện rồi tận mắt chứng kiến bác sĩ Nghĩa thăm, khám cho học viên cai nghiện ma túy, chúng tôi mới hiểu câu nói mà các học viên nơi đây hay nói về những thầy cô giáo TNXP của mình

Có những con người, số phận đã đưa họ đến với một nơi đặc biệt, từ trong cái nôi ấy, người ta đã trưởng thành rồi trở về phục vụ. Ở nơi đó là công việc nhưng cũng là mái nhà khiến ông gắn bó cả cuộc đời.

“Bác ấy là trẻ lang thang, phiêu bạc từ Quảng Ninh vào Sài Gòn khi chỉ mới 12 tuổi, sau đó được đưa vào cơ sở xã hội của lực lượng thanh niên xung phong để nuôi dưỡng, học hành và làm bác sĩ cho đến bây giờ”. Một lời mách nước của một số anh chị đang làm việc tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân về một tấm gương điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa (trái) đang công tác tại cơ sở xã hội Nhị Xuân 

Chúng tôi tìm đến cơ sở xã hội Nhị Xuân, không gian nơi đây đã thay đổi khá nhiều so với nhiều năm trước, cây cối nhiều hơn, đường bê tông thay cho đường đất đỏ ngày nào, những hàng cây xanh được trồng 2 bên đường để che đi cái nắng, gió ngày hè. Có lẽ, khi sống và làm việc trong môi trường gần gũi với học viên như vậy các bác sĩ mới hiểu rõ được tâm lý của các em và kịp thời xử lý khi có những tình huống bất ngờ xảy ra.

Tiếp chúng tôi là một vị bác sĩ có làn da rám nắng, ánh mắt sáng và nụ cười luôn nở trên môi. Khi được hỏi về cuộc đời, về nhân duyên ông gắn bó với nơi này mà trước đó, ông là một trẻ lang thang. Trầm ngâm một lúc, ông chậm rãi kể, hồi nhỏ mình ham vui, không chịu học, trong xóm có một đám bạn kéo nhau nhảy tàu vào Sài Gòn sống lang thang ở chợ Bến Thành. Sau một thời gian, có chiến dịch thành phố đi gom thanh niên bụi đời đưa vào Trường Thiếu niên 3 ở Gò Vấp, mình được đưa vào đó, đến năm 1988 đi Thanh niên xung phong, mới đầu đi lên Đắk Nông, Đắk Lắk đến cuối năm 1992 nông trường 7 bị giải thể thì ông được chuyển về cơ sở xã hội Nhị Xuân học tập và làm việc cho đến bây giờ.

“Làm ở đây nhiều vấn đề phức tạp, công việc rất nhiều vì mình không chỉ chuyên về chữa bệnh mà còn làm nhiều việc khác như: làm về phòng chống dịch bệnh, quản lý. Bác sĩ, ai cũng muốn làm ở bệnh viện, mình cũng vậy, tuy nhiên tình cảm mỗi người mỗi khác, mình trưởng thành từ TNXP, được đơn vị bồi dưỡng, đào tạo, giúp đỡ, tình cảm rất gắn bó, khó lòng thay đổi được", bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

Bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa gọi nó là nhân duyên, ông tham gia lực lượng Thanh niên xung phong đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới, sau này chuyển về Nhị Xuân làm công tác bảo vệ rừng, làm giáo dục viên nhà mở, rồi theo học y tá rồi đến y sĩ, nha sĩ, bác sĩ để phục vụ công việc được hiệu quả hơn.

Bác sĩ Nghĩa cho biết: ”Công việc y tế, chăm sóc sức khỏe người bệnh thì mình luôn tâm đắc quan điểm toàn diện, không chỉ là khám bệnh, cho thuốc mà phải quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, động viên, giải thích những vấn đề các em chưa hiểu; chia sẻ về môi trường sinh hoạt, ăn uống, nói chung là toàn diện như vậy các em mới mau hồi phục chứ không chỉ là thuốc men; thứ nữa là tinh thần trách nhiệm, thực ra đối tượng này nghe thì ghê lắm, ai nghe thấy làm trong môi trường cai nghiện cũng sợ nhưng dấn thân sẽ cảm nhận được, các em nhìn bên ngoài có vẻ dữ dằn nhưng khi tiếp xúc, chăm sóc các em tận tình, chu đáo thì các em biết và hiểu hết và hợp tác tốt với mình. Làm công việc này cần tận tâm, tận tình, không có tính vụ lợi, so đo, tâm sáng thì làm việc sẽ thấy thỏa mái, không thấy cẳng thẳng, mệt mỏi.”

Là bác sĩ điều trị cho học viên cai nghiện ma túy, bác sĩ Nghĩa không ít lần chứng kiến những tình huống trớ trêu, như chuyện học viên không chịu hợp tác, rồi tai nạn nghề nghiệp xảy đến, máu của học viên bị nhiễm không may dính vào người, phải uống thuốc phơi nhiễm HIV…, thế nhưng chưa bao giờ ông than phiền hay có ý định sẽ từ bỏ công việc điều trị cho học viên cai nghiện ma túy. Bởi ông nghĩ rằng, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì liệu gian khổ sẽ dành phần ai?

Đồng nghiệp của Bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa, Điều dưỡng viên Nguyễn Thanh Sơn cho hay, bác sĩ Nghĩa là một người chịu thương, chịu khó, rất năng động trong việc tìm hiểu, trau dồi chuyên môn, nghề nghiệp, là người rất có tâm, có đức trong phục vụ học viên. Trong chuyên môn, khi phối hợp với cấp dưới bác sĩ Nghĩa rất chủ động để rèn luyện tay nghề cho điều dưỡng bằng hình thức là hàng tháng soạn bài chuyên môn để trao đổi công việc với các bác sĩ và điều dưỡng.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ: Bác sĩ Nghĩa là người hòa đồng, vui vẻ với anh em, rất dễ chịu, với vai trò là phó phụ trách phòng, bác Nghĩa cũng biết tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh em, nhất là những anh chị em có gia đình, lớn tuổi thì bác sĩ Nghĩa cũng sâu lắng trong những lời dặn dò, thăm hỏi, đó là một trong những ưu điểm của bác sĩ Nghĩa trong công tác quản lý”.

“Không chỉ phụ trách chuyên môn, bác sĩ Nghĩa còn là một Bí thư chi bộ gương mẫu trong sinh hoạt Đảng, công tác phát triển Đảng, sinh hoạt Chi bộ bác sĩ Nghĩa là người đi đầu, năm nào cũng được lãnh đạo đánh giá cao về lĩnh vực chuyên môn cũng như y đức, lòng nhiệt huyết, cách sống hòa đồng, gần gũi với anh em nhân viên trong trung tâm", ông Bùi Thành Trâm, Phó Giám đốc cơ sở xã hội Nhị Xuân nhận xét.

Gặp gỡ, trò chuyện rồi tận mắt chứng kiến bác sĩ Nghĩa thăm, khám cho học viên cai nghiện ma túy, chúng tôi mới hiểu câu nói mà các học viên nơi đây hay nói về những thầy cô giáo thanh niên xung phong của mình “trường là nhà, thầy cô là người thân”. Có lẽ chính sự tương đồng về hoàn cảnh, sự đồng cảm trong tâm hồn làm bác sĩ Nghĩa dễ trò chuyện, chia sẻ với học viên, từ đó, công việc điều trị cho học viên cũng thuận lợi hơn. Và hơn hết, cái tâm của người thầy thuốc đã giúp ông trở thành người thầy, người bạn thân thương của những số phận lầm lỡ mong muốn làm lại cuộc đời.

Những tiếng đàn ghi-ta vang lên trong buổi chiều hè ở cơ sở Nhị Xuân khiến cho nhiều người nghĩ rằng, đây chẳng phải là trung tâm cai nghiện mà là một mái nhà, nơi hồi sinh những con người lầm lạc. Và cũng chính từ những nơi đó, có những tấm gương như bác sĩ Bùi Hữu Nghĩa đã giúp cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Bình luận