Từ các công trình văn hóa mang đậm nét đặc trưng Thành phố

(VOH) - Đảng ta đã xác định: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần, là vô cùng sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định "Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất". Là Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ vĩ đại, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM nêu rõ quyết tâm “Xây dựng TPHCM trở thành một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”. Và những quyết tâm ấy đã chuyển biến thành hành động, nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh ra đời, tạo dấu ấn rất tốt trong nhân dân.

Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người Thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân Thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người Thành phố mang tên Bác. Huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đảng bộ, Chính quyền Thành phố xác định xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là vấn đề cấp thiết hiện nay, có ý nghĩa rất lớn, xây dựng nên bản sắc văn hóa của Thành phố năng động, hiện đại, nghĩa tình.

tu-cac-cong-trinh-van-hoa-mang-dam-net-dac-trung-thanh-pho-voh.com.vn-anh1
Di tích số 5 Châu Văn Liêm được Bộ Văn hóa ký quyết định công nhận là di tích lịch sử số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988. (Ảnh: https://so5chauvanliem.hochiminh.vn/)

Khi nói đến Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta liên tưởng ngay đến nơi đó sẽ mang những dấu ấn của Bác, như Bến Nhà Rồng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM), Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm - Quận 5… Ngày nay, các công trình mang tên Bác như Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh hay các phòng đọc, phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các cơ quan đã lan tỏa rộng khắp trong Nhân dân. Những năm gần đây, Đường sách Thành phố dần trở thành biểu tượng của Thành phố mang tên Bác, là sản phẩm của “ý Đảng lòng Dân”, là điểm đến văn hóa tinh thần của người dân Thành phố và cả nước. 

Bạn Trần Mai Yến Nhi ở Phú Nhuận bày tỏ sự yêu thích khi đến đây: "Vị trí nằm ở trung tâm, gần di sản văn hóa, địa điểm du lịch như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố thì cũng góp phần vào việc tạo nên cụm không gian văn hóa du lịch chung. Du khách có thể tìm mua những quyển sách để tìm hiểu về Thành phố nhiều hơn. Tại Đường sách còn có nhiều hoạt động giao lưu ra mắt sách hoặc hoạt động cho các em thanh thiếu niên học sinh đến để tìm hiểu về sách, và các hoạt động giao lưu ra mắt tác giả tác phẩm cùng với bạn đọc, du khách khi đến Đường sách TPHCM".

Song song việc quy hoạch và phát triển các công trình văn hóa thì Thành phố cũng tập trung xây dựng các chương trình nghệ thuật, triển lãm, mang tính tư tưởng, văn hóa đặc sắc gắn với cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng đã được Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức rất công phu và hiện đại. Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: "Ngành văn hóa tích hợp và dùng công nghệ kỹ thuật số, làm sao để hình ảnh tư liệu mà Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Hồ Chí Minh, tại Bến Nhà Rồng, là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động công nghệ số cho những hình ảnh tư liệu, cách thức đọc sách của Bác, sách báo viết về Bác. Cho nên hình ảnh tư liệu thì rất đổi mới và dùng kỹ thuật số".

Về phía Mặt trận Tổ quốc Thành phố cũng phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố để chuyển tải không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng chương trình "Điều giản dị". Ông Ngô Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, truyền thông, báo chí, giúp hình tượng của Bác cũng sẽ được lan tỏa rộng rãi tại các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

"4 số mang tên Điều giản dị, tập trung 4 chủ đề: vẻ đẹp giản dị trong cuộc sống con người, lấy dân làm gốc, xây dựng gia đình hạnh phúc, nói về con người thời đại mới. 4 nội dung này phải xoay quanh chủ đề tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, để làm sao cho mỗi người dân Thành phố thấy trách nhiệm của mình, mỗi người phải hiểu được và thấy trách nhiệm của mình, để từ điều giản dị nhất xây dựng nên không gian văn hóa chung của TPHCM chúng ta", ông Ngô Thanh Sơn cho biết thêm.

Dẫu đã có nhiều cách để lan tỏa đến quần chúng nhân dân, tuy nhiên theo ông Nguyễn Trung Nam - người dân Quận 6, muốn người dân hiểu về không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì cần phải làm thường xuyên, liên tục, sâu sát quần chúng nhân dân hơn nữa: "Tôi thấy có nhiều tác phẩm quý báu của Bác Hồ. Tôi thích nhất là tác phẩm Di chúc của Bác. Hiện nay là di sản lớn. Đề nghị là chúng ta tiếp tục tuyên truyền, thứ nhất là tập trung ở các trường học, các địa bàn đông dân cư để tiếp tục tuyên truyền về sách, về cuộc đời Bác Hồ, về tư tưởng của Bác Hồ".

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không dừng lại là xây dựng những công trình gắn với Bác, những chương trình nghệ thuật gắn với Bác mà còn phải làm lan tỏa đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho những nét đẹp của Bác thấm sâu vào con người Thành phố, và là nguồn sức mạnh đặc thù của Thành phố mang tên Bác. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội lịch sử nêu ý kiến: "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ liên quan đến Hồ Chí Minh, đến lãnh tụ Hồ Chí Minh, đến danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Trong thực tế, với dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, Nhân dân Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay thì chúng ta đã có Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sống với Hồ Chí Minh, chúng ta đang học tập và làm theo Hồ Chí Minh và việc này đang rất gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân của chúng ta".