Tọa đàm do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương tổ chức.
Các ý kiến của các đại biểu và các nhà khoa học đều nhận định, người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, đôi khi là có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng. Chỉ khi nào, ở đâu người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng thì ở đó tham nhũng ít xảy ra. Ngược lại, ở đâu, khi nào người đứng đầu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng, nói không đi đôi với làm thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó trưởng Ban Nội Chính Trung ương Nguyễn Thái Học nêu rõ, những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, nhất là từ dầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến nay đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác này. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã rất kiên quyết, kiên trì, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Theo đó, đã chỉ đạo phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xử lý nghiêm nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp có hành vi tham nhũng.
Cùng với đó là tinh thần tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Học cho rằng, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra: "Vẫn còn có tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng bị phát hiện, xử lý. Thời gian qua, số vụ tham nhũng được chỉ đạo phát hiện, xử lý trong nội bộ cơ quan, đơn vị chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng".
Tiến sĩ Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay vừa là nơi nguy hiểm, vừa là chốn sinh tử. Muốn chọn lấy người cần chọn cho công việc, muốn lựa lấy nhân tài cho đại sự, thì cuộc chiến chống tham nhũng là trận tuyến khắc nghiệt nhất. Qua đó thanh lọc đội ngũ vừa thẩm xét và lựa chọn nhân tài, nhất là người đứng đầu. Do đó người đứng đầu phải luôn gương mẫu.
Các tham luận tại tọa đàm đã đề cập tương đối toàn diện về các vấn đề liên quan các nội dung: Cơ sở chính trị, pháp lý về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; Lý luận về trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vấn đề kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng; Thực tiễn phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng ở một số ngành, lĩnh vực; Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương do mình phụ trách; Một số giải pháp để phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng…
Nhằm phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng thì yêu cầu đặt ra cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan tổ chức phải thực sự coi trọng công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm. Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng nhằm phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào việc kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng. Người đứng đầu cần đề cao tinh thần trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải thực sự gương mẫu, trong sáng trong công tác cán bộ. Ông Nguyễn Mạnh Khương, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ cho rằng: "Việc lựa chọn người đứng đầu là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến sự thành bại của một tổ chức, một cơ quan, thậm chí cả một hệ thống cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu gương mẫu có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, đạo đức, lối sống, nói không với tham ô tham nhũng sẽ là tấm gương để cấp dưới học tập noi theo. Đồng thời sẽ có đủ bản lĩnh uy tín sự lan tỏa để chỉ đạo, điều hành cấp dưới thực hiện có hiệu quả công việc, khi người đứng đầu có tất cả những phẩm chất như vậy thì họ đủ tự tin để xử lý cán bộ dưới quyền, nếu có vi phạm".
Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sư lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy, từ 2016 đến nay, trong cả nước đã phát hiện trên 1 nghì vụ án; gần 2 ngàn 500 bị can tham nhũng, trong đó chỉ có 38 vụ/ 44 người có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ. Trong 5 năm qua, cả nước chi có có 140 người đứng đấu bị đề nghị xử lý trách nhiệm, trong đó đã xử ký hình sự 8 người, xử lý kỷ luật 82 người.
Ngọc Ánh