Daihatsu - công ty con của Tập đoàn Toyota - đã bị Bộ Giao thông Nhật Bản kiểm tra và không biết khi nào có thể tiếp tục kinh doanh hoặc sản xuất trở lại. Việc đình chỉ sản xuất là một đòn giáng mạnh vào hàng nghìn nhà cung cấp của công ty này.
Theo công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank, có hơn 8.000 công ty ở Nhật Bản trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhà sản xuất ô tô, tạo ra doanh thu tổng hợp hàng năm khoảng 2,2 nghìn tỷ yên (15 tỷ USD).
Daihatsu đã bắt đầu đàm phán bồi thường với các nhà cung cấp của mình, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết. Họ cho biết, nhà sản xuất ô tô sản xuất khoảng 4.000 ô tô mỗi ngày này đã ngừng đặt hàng phụ tùng.
Theo các nguồn tin, nhà sản xuất ô tô cũng đang thảo luận với liên đoàn lao động về tiền lương của nhân viên trong thời gian tạm dừng sản xuất.
Tuần trước, Daihatsu cho biết, tổng cộng 64 mẫu xe của hãng đã phải trải qua các cuộc kiểm tra an toàn không đúng cách, tăng từ 6 mẫu được phát hiện vào mùa xuân.
Sau tiết lộ này, công ty cho biết đã quyết định tạm dừng mọi hoạt động sản xuất, phân phối cả trong và ngoài Nhật Bản. Dù vậy, Daihatsu đã nối lại hoạt động sản xuất ở Indonesia và Malaysia sau khi chính phủ các nước này xác nhận rằng, xe Daihatsu bán ở đó an toàn.
Những sai phạm của Daihatsu - thương hiệu 116 năm tuổi tại Osaka (Nhật Bản) nổi lên từ tháng 4 sau khi công ty bị khiếu nại gian lận trong các cuộc thử nghiệm an toàn va chạm bên hông đối với 88.000 xe.
Công ty đã báo cáo vấn đề với cơ quan quản lý và tạm dừng phân phối các mẫu xe bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một cuộc điều tra độc lập do bên thứ ba được tiến hành sau đó cho thấy quy mô của vụ bê bối lớn hơn nhiều và có khả năng làm hoen ố danh tiếng về chất lượng và an toàn của Daihatsu lẫn Toyota.
Ủy ban điều tra đã phát hiện bất thường ở 174 điểm trong 25 hạng mục thử nghiệm khác. Có tổng cộng 64 mẫu xe và 3 loại động cơ xe liên quan bê bối, trong đó gồm 22 mẫu xe và 1 loại động cơ được bán với thương hiệu của Toyota, gồm mẫu Avanza có sản xuất và bán tại Việt Nam.