Động thái này được đưa ra sau khi Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch ra lệnh dừng vận chuyển các mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross của Toyota, cũng như Roadster RF và Mazda2 của Mazda, đồng thời cho biết, các cuộc kiểm tra chứng nhận xe của họ đã được thực hiện theo cách không phù hợp và không tuân thủ các thông số kỹ thuật của chính phủ.
Toyota cho biết việc tạm dừng sản xuất sẽ kéo dài ít nhất cho đến cuối tháng này, trong khi Mazda cho biết họ không chắc chắn khi nào các nhà máy của họ sẽ hoạt động trở lại.
Nhà sản xuất ô tô cho biết, việc tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến khoảng 200 nhà cung cấp trực tiếp bán phụ tùng cho Toyota, nhưng con số này lên tới 1.000 nếu bao gồm cả các nhà thầu phụ. Mazda cho biết, họ mua phụ tùng trực tiếp từ khoảng 300 nhà cung cấp.
Hai nhà sản xuất ô tô đang xem xét việc bồi thường cho các doanh nghiệp cung ứng phụ tùng về những tổn thất mà họ sẽ phải gánh chịu.
Trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào tháng 3), tổng sản lượng của ba mẫu xe Toyota đạt khoảng 130.000 xe, trong khi hai mẫu xe Mazda đạt tổng cộng khoảng 15.000 chiếc, các công ty cho biết.
Hai công ty này cùng các hãng Honda, Suzuki và nhà sản xuất xe máy Yamaha hồi đầu tuần này đã thừa nhận gian lận trong các cuộc kiểm tra xe để đạt được chứng nhận sản xuất hàng loạt, làm dấy lên nghi ngờ rộng rãi về độ tin cậy của sản phẩm.
Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản đã đến trụ sở chính của Suzuki ở tỉnh Shizuoka để kiểm tra trong tuần này nhằm xác định xem có nên áp dụng bất kỳ hình phạt hành chính nào đối với công ty hay không và liệu có cần thu hồi xe hay không.
Suzuki là công ty thứ 3 bị Bộ kiểm tra sau Toyota và Yamaha. Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản dự kiến sẽ sớm thanh tra 2 công ty còn lại.