Vi vu Tết Tân Sửu, những thông tin cần chú ý

(VOH) - Một số thông tin hữu ích để mỗi chuyến hành trình của bạn trong Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là một bầu không khí an toàn, hạnh phúc và gắn kết

Trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 đang lượn lờ, đe dọa làm giảm đi sự hào hứng của không khí hội hè trong Tết Nguyên đán Tân Sửu, có lẽ giải pháp phù hợp nhất là thực hiện những chuyến hành trình ngắn, đến với thiên nhiên và trải nghiệm cảm giác cả gia đình cùng đầm ấm bên nhau. Tuy vậy, để chuyến đi được an toàn và trọn vẹn, cần lưu ý những vấn đề sau:

Vệ sinh và giữ an toàn khi đi ô tô trong mùa dịch

Với xe ô tô cá nhân:

Để tạo ra môi trường an toàn trong xe ôtô, bạn nên thường xuyên vệ sinh xe ôtô. Hãy dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh các chi tiết bên trong, đặc biệt là vô lăng, cần số, tay nắm, cửa sổ, nút điều khiển nhiệt độ, khóa dây an toàn… Nếu có thể bạn hãy sử dụng khăn lau tẩm cồn để khử trùng bề mặt hoặc dùng dung dịch sát trùng tay chứa ít nhất 60% cồn sau khi chạm vào các chi tiết nhiều người cùng tiếp xúc.

Đặc biệt, nếu từng đi qua những vùng nghi ngờ là "ổ dịch" COVID-19 thì cần luôn đeo khẩu trang khi rời khỏi xe. Tiến hành khử khuẩn ngay lập tức toàn bộ phương tiện ôtô. Đồng thời tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ theo quy định.

BÀI TẾT 1
Cần chú ý vệ sinh ôtô thường xuyên để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Nếu sử dụng các phương tiện vận tải công cộng:

Bạn cũng cần đeo khẩu trang đạt chuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế.  Bạn cần lưu ý phải đeo khẩu trang đúng cách, đảm bảo che kín mũi, miệng và ôm sát vào mặt. Lưu ý, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, hãy dùng khăn giấy, khăn vải che mũi, miệng khi ho, hắt hơi… Nếu có thể, bạn hãy rửa tay sát khuẩn ngay khi lên xe; chú ý ngồi giãn cách, cách nhau một ghế hoặc đảm bảo cách nhau 1m.

Lưu ý hạn chế chạm vào các vị trí nhiều người tiếp xúc trong xe như tay vịn, khung cửa, các nút bấm.... Nguồn gây bệnh có thể tồn tại trên các bề mặt hoặc các khe hở nhỏ do ít được vệ sinh thường xuyên.

Sắp xếp hành lý trên xe ô tô

Thông thường, với những chuyến "đi về nhà" đón Tết, hoặc những chuyến du xuân của gia đình thường đầy ắp các loại hành lý, thức ăn, vì vậy để sắp xếp đồ khoa học và tối ưu không gian khoang hành lý, đảm bảo an toàn cho quá trình di chuyển, bạn nên tuân thủ nguyên tắc dưới đây:

  • Xếp đồ nặng, cứng, khó vỡ phía dưới hoặc xếp vào phía trong, tiếp đến là xếp những đồ góc cạnh, phẳng nhằm tạo thành chiếc khung đỡ các vật dụng nhẹ sẽ đặt bên trên.
  • Dùng những đồ vật mềm, nhỏ nhét vào khoảng trống để cố định hoặc làm thành vật chêm để tận dụng không gian.
  • Không xếp đồ quá cao, che khuất tầm nhìn.
  • Những đồ vật ưu tiên sử dụng trên xe như: Hộp đồ y tế, bình cứu hỏa, đồ ăn, thức uống nên đặt ở vị trí dễ lấy.

Lưu ý, không nên mở cốp khoang hành lý để chở những đồ cồng kềnh như cây cảnh, bàn ghế... như vậy sẽ rất nguy hiểm cho các phương tiện xung quanh vì nó có thể rơi ra khi đang lưu thông.

Kinh nghiệm lái xe an toàn

- Khi lái xe trên đường cao tốc, cần tránh tối đa việc bám đuôi xe phía trước ở khoảng cách gần. Hãy áp dụng quy tắc "4 giây" để giữ khoảng cách an toàn. Quy tắc này khá đơn giản, bạn chỉ cần để ý chiếc xe ở phía trước, khi vượt qua một vật thể (ví dụ như một cái cây), bạn nên giữ tốc độ và khoảng cách với chiếc xe ấy sao cho 3-4 giây sau, xe bạn mới khi vượt qua vật thể ấy.

BÀI TẾT 2
Quy tắc 4 giây giúp bạn kiểm soát khoảng cách của mình với các xe khác khi tham gia giao thông.

- Khi lái xe đêm: Để tránh bị chói mắt bởi đèn pha của các xe ngược chiều, bạn có thể liếc ánh mắt hướng về phía lề bên phải của cung đường mình đi, hoặc hướng ánh nhìn xuống theo vạch sơn phân làn để làm chuẩn. Hãy chủ động nháy đèn và quan sát tín hiệu nháy đèn của các xe ngược chiều khi sắp vào các cung đường cua góc khuất hoặc mấp mô như đường đồi, núi.

- Lái xe đường đèo lạ hoặc đường có sương mù: cần tập trung cao độ, tránh trò chuyện điện thoại hay các thao tác dễ gây nguy hiểm như với tay lấy kính, vươn tay mở nhạc... nếu được, nên hạ cửa kính xuống một chút để lắng nghe các âm thanh xung quanh. Nên di chuyển đúng tốc độ khi lưu thông trên đường nhiều sương mù. Duy trì tốc độ ổn định, tránh tăng tốc/giảm tốc đột ngột, ảnh hưởng đến những xe phía trước hoặc đang di chuyển phía sau và cũng gây nguy hiểm cho chính bản thân mình. Đặc biệt, khi đổ đèo hạn chế đạp thắng liên tục mà nên kết hợp giữa sử dụng thắng và hoạt động của hộp số (Sử dụng số 1,2,3 với xe số sàn hoặc D1,D2 hoặc S cấp số thấp với xe số tự động), việc này khiến động cơ xe ghìm lại tốc độ xe, dễ dàng kiểm soát lái.

Khắc phục một số hỏng hóc dọc đường

- Hết bình ắc-quy: Phần lớn trường hợp bình ắc-quy bị hết đột ngột là do để quên đèn trên xe, hoặc do vô tình để quên radio khi đậu xe trong thời gian dài. Ngoài ra, còn trường hợp mối nối cọc bình lỏng lẻo hoặc bị ăn mòn sẽ làm cho hệ thống sạc hoạt động không hiệu quả, có thể dẫn đến làm cạn ắc-quy xe. Dấu hiệu thường thấy là các đèn báo và bảng đồng hồ sẽ không sáng khi bạn vặn chìa khóa khởi động, không khởi động được động cơ, chỉ có thể nghe được âm thanh “tạch tạch” phát ra từ hệ thống đề. Để giải quyết tình huống này, bạn có thể xin câu nhờ bình ắc-quy từ xe khác theo các bước sau:

  • Dùng một đầu kẹp của dây câu bình màu đỏ nối với cực dương của ắc quy bị hết điện. Đầu kẹp còn lại của dây màu đỏ nối với cực dương (+) của ắc quy dùng để kích điện trên xe cứu hộ. Chú ý khi thực hiện thao tác này tài xế không để cho 2 đầu kẹp chạm vào nhau hoặc chạm vào thân xe vì có thể gây chập điện.
  • Tiếp theo, tài xế dùng dây màu đen nối với cực âm (-) trên xe cứu hộ. Đầu dây màu đen còn lại kẹp vào một bộ phận kim loại không sơn trên xe bị hết điện ắc-quy.
BÀI TẾT 3
Các bước đấu nối dây câu bình trên xe ô tô
  • Sau khi hoàn thành việc đấu nối, đề máy xe cứu hộ, cho động cơ chạy không tải từ 3-5 phút để sạc điện cho chính ắc-quy trên xe cứu hộ cũng như ắc-quy trên ô tô bị hết điện. Sau đó, thử đề máy xe cần cứu hộ. Nếu máy không khởi động, hãy chờ thêm một vài phút đến khi xe khởi động được.
  • Khi tháo dây câu bình, nên tháo cẩn thận và tránh không để cho hai đầu dây chạm vào nhau. Tiếp tục để động cơ xe hoạt động thêm một khoảng thời gian nữa, đồng thời không bật ngay các thiết bị tiêu thụ điện để đảm bảo đủ điện năng từ máy phát vào ắc-quy.

- Đứt dây cua-roa: Chức năng chính của dây cua-roa là để dẫn động các bộ phận khác làm việc như máy phát, lốc điều hòa, bơm trợ lực lái. Thông thường, bạn có thể nhận biết việc xuống cấp của dây cua-roa thông qua các vết nứt trên dây khi kiểm tra khoang máy. Khi dây cua-roa đã quá hạn sử dụng thường sẽ phát ra tiếng rít, và khiến bạn khó hơn trong việc khởi động máy xe. Tuy nhiên, vẫn có thể dây cua-roa của bạn sẽ bị hỏng hóc bất ngờ do các yếu tố bên ngoài như bị chuột cắn, vướng phải dị vật.... Giải pháp tốt nhất là kiểm tra và hay thế dây cua-roa khi có dấu hiệu bất thường trước khi bắt đầu chuyến hành trình.

- Mòn má phanh: Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, chủ xe nên kiểm tra và thay má phanh xe ô tô theo định kỳ mỗi 50.000 – 80.000 km hoặc sau 2 năm sử dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp xe phải làm việc cường độ cao như thường xuyên di chuyển ở đường đông đúc, sử dụng thắng liên tục thì má phanh ô tô nhanh mòn hơn. Để bảo đảm an toàn cho chính mình, bạn hãy thường xuyên để ý các dấu hiệu bị mòn má phanh như:

  • Xe phát ra có tiếng kêu lạ khi thắng: thường những tiếng kêu này sẽ là tiếng kin kít hay ken két.
  • Xe bị lệch hướng khi thắng: Khi đạp thắng, nếu thấy xe có xu hướng lệch về bên trái hoặc bên phải thì rất có thể má phanh ô tô đã mòn. Hoặc khi vô-lăng bị rung khi thắng: nếu vô-lăng có dấu hiệu bị rung khi thắng gấp thì khả năng cao má phanh đã bị mòn.

Ngoài ra, khi xe thắng không ăn, đôi khi lý do không hẳn là do má phanh bị mòn, mà đơn giản chỉ vì thiếu dầu thắng. Để khắc phục cần kiểm tra hệ thống bình dầu thắng, nước giải nhiệt, các loại dung dịch hỗ trợ động cơ và bổ sung kịp thời trước chuyến đi.

BÀI TẾT 4
Bình dầu thắng thường nằm chung trong khoang máy của xe