Chờ...

Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này

VOH - Các chủ doanh nghiệp nhất định phải hiểu Zalo ZNS là gì và ưu nhược điểm của nó, nếu muốn khách hàng trung thành và lợi nhuận tăng.

Zalo đã trở thành mạng xã hội không thể thiếu đối với người dùng Việt Nam, cả cá nhân lẫn doanh nghiệp. Chính vì thế, Zalo ZNS - hình thức nhắn tin chăm sóc khách hàng qua Zalo ngày càng trở nên phổ biến hơn. Dành cho những người dùng còn bỡ ngỡ, bạn hãy đọc ngay hướng dẫn của VOH để hiểu Zalo ZNS là gì và dùng như thế nào.

Giải thích toàn bộ về Zalo ZNS

ZNS là viết tắt của Zalo Notification Service - một dịch vụ gửi thông báo được phát triển bởi Zalo vào năm 2021. Người dùng Zalo cá nhân có thể sẽ không nghe đến ZNS nhiều lắm, vì dịch vụ này chỉ có trên tài khoản Zalo mang tích vàng, tức là tài khoản OA (Official Account) của các tổ chức, doanh nghiệp. 

Zalo ZNS gồm hai loại tin nhắn nhỏ hơn là ZNS TemplateZNS Follower. Cả hai đều mất phí, đều không giới hạn tần suất gửi tin. Nhưng ZNS Template phải đăng ký mẫu tin với hệ thống trước khi gửi, và chỉ được gửi tin chăm sóc Khách hàng. ZNS Follower không cần đăng ký mẫu và có thể gửi tin quảng cáo.

Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 1
ZNS là một sự hỗ trợ to lớn với doanh nghiệp - Ảnh: Internet

Zalo ZNS hoạt động theo API (Giao diện lập trình ứng dụng). Để giải thích đơn giản, API như một trung gian giúp máy chủ và máy khách trò chuyện với nhau. Tài khoản Zalo của doanh nghiệp gọi là máy chủ, còn Zalo của khách hàng cá nhân gọi là máy khách. Nhờ API mà doanh nghiệp có thể gửi thông báo đến tất cả khách hàng đang dùng Zalo của họ. 

Các doanh nghiệp trên bất kỳ quy mô nào (lớn, vừa hay nhỏ) cũng có thể tích hợp và sử dụng ZNS một cách mượt mà.

Zalo ZNS và Zalo Ads: Đừng nhầm lẫn!

Có nhiều ý kiến cho rằng Zalo ZNS hoạt động chẳng khác gì Zalo Ads, chỉ thay đổi tên thôi. Đó là một hiểu lầm dễ xảy ra, vì tuổi đời của ZNS còn non trẻ. Hãy để VOH phân biệt hai nền tảng giúp bạn! 

Hiện tại, Zalo ZNS đang có 3 hình thức dịch vụ:

  • Liên quan đến tài khoản: Zalo ZNS sẽ gửi OTP các loại (OTP cho tài khoản mới lập, OTP xác thực khi quên mật khẩu…), cũng như gửi thông báo tài khoản đang chờ kiểm duyệt…
  • Mua bán hàng hoá: ZNS cũng gửi OTP nhưng để xác nhận giao dịch, ngoài ra còn gửi thông báo theo dõi đơn hàng, thay đổi lịch hẹn,...
  • Các giao dịch tài chính: ZNS gửi thông báo biến động số dư, nhắc khách hàng trả nợ, thông báo khoản vay giải ngân thành công…

Trong khi đó, Zalo Ads đã đưa vào hoạt động 8 hình thức quảng cáo (thông tin mới nhất năm 2024):

Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 2
Các hình thức quảng cáo hiện có của Zalo Ads - Ảnh: Internet
  • Quảng cáo Commerce: Quảng cáo được thiết kế riêng cho ngành bán lẻ, khuyến khích người xem để lại thông tin đặt hàng ngay trên quảng cáo.
  • Quảng cáo Form: Quảng cáo dưới dạng khảo sát. Loại quảng cáo này thường sẽ yêu cầu người dùng cá nhân điền thông tin để nhận tư vấn và báo giá.
  • Quảng cáo Website:
    Loại quảng cáo kèm theo đường link website của doanh nghiệp, giúp tăng lượng truy cập về trang web.
  • Quảng cáo Zalo Official Account: Loại quảng cáo này sẽ đăng trực tiếp link tài khoản OA của doanh nghiệp, để người dùng cá nhân nào quan tâm có thể nhấn ngay nút Follow.
  • Quảng cáo Bài viết OA: Tương tự như quảng cáo OA nhưng không gắn link tài khoản, mà quảng cáo một bài viết đơn lẻ của doanh nghiệp. Ví dụ bài tuyển dụng: “Công ty V cần tuyển X nhân viên kinh doanh…”
  • Quảng cáo Tin nhắn: Hình thức quảng cáo bằng cách nhắn tin vào hàng loạt số điện thoại trong danh sách data. Loại quảng cáo này sẽ xuất hiện ngay trong danh mục tin nhắn của người dùng. 
  • Quảng cáo sản phẩm trên Zalo: Quảng cáo theo hình thức đăng ảnh sản phẩm lên Zalo, có thể giúp chốt đơn ngay trên nền tảng Zalo.
  • Quảng cáo Video: Quảng cáo định dạng video nhằm tương tác với khách hàng tiềm năng một cách sinh động hơn.

Xem thêm:
Cách sao lưu và khôi phục tin nhắn zalo trên máy tính và điện thoại thành công 100%
Cách rời nhóm Zalo không ai biết, không để lại thông báo đơn giản
Hướng dẫn cách phát hiện, tìm tin nhắn ẩn trên Zalo nhanh chóng

Zalo ZNS giúp ích gì cho doanh nghiệp?

Nói về tác dụng của Zalo ZNS cho doanh nghiệp, chỉ có hai từ là “chính thống”. Nếu các chủ doanh nghiệp muốn tạo cho khách hàng một kênh thông tin đáng tin cậy, không sử dụng ZNS là một sơ suất lớn. Dịch vụ này hỗ trợ gửi rất nhiều hình thức thông báo cho các mục đích khác nhau:

  • Gửi xác nhận đơn hàng đến khách mua hàng online.
  • Cập nhật trạng thái đơn hàng của khách một cách thường xuyên.
  • Xác nhận hợp đồng cho vay tài chính.
  • Thông báo đến hạn thanh toán khoản vay.
  • Thông báo biến động số dư ngân hàng.

Mọi nội dung trên Zalo ZNS được kiểm duyệt chặt chẽ. Đặc biệt ZNS không hỗ trợ nội dung quảng cáo và spam, nhằm đảm bảo tính chính thống.

Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 3
Zalo ZNS không có chỗ cho tin nhắn spam và rác - Ảnh: Internet

Các ưu điểm của Zalo ZNS đối với doanh nghiệp

Khách hàng tiềm năng cả nước

Đúng vậy, trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, khắp nơi đều có ít nhất một người dùng Zalo. Từ các gia đình cho đến công ty trong nước đều dùng Zalo. ZNS là sản phẩm trực thuộc Zalo, nên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng thị trường sẵn có, nhằm mở rộng tệp khách hàng của mình ra khắp cả nước.

Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 4
Zalo không còn xa lạ gì với người Việt Nam nữa - Ảnh: Internet

Nội dung đầy đủ 

Tại Zalo ZNS, mỗi thông báo có thể gửi tối đa 400 ký tự có dấu, trong khi đối với Zalo Ads thì giới hạn chỉ là 90 ký tự. Đây là thuận lợi lớn để doanh nghiệp soạn thảo những thông báo trọn vẹn, truyền tải chính xác nội dung đến khách hàng. 

Đo lường hiệu quả

ZNS mang lại một hệ thống những kết quả minh bạch, giúp doanh nghiệp luôn theo dõi được trạng thái lệnh cũng như phản hồi của khách hàng. 

Ví dụ khi doanh nghiệp triển khai chiến dịch gửi tin nhắn, ZNS sẽ cho biết tỷ lệ khách hàng nhấn vào đọc là bao nhiêu, tỷ lệ phớt lờ tin nhắn là bao nhiêu. Từ các số liệu đó doanh nghiệp quyết định có nên tiêu tốn chi phí vào hình thức này nữa không. Các chỉ số CSKH khác cũng có thể đo lường tương tự.

Các mẫu ZNS mà doanh nghiệp cần biết

Mẫu ZNS chào mừng

ZNS chào mừng là một mẫu mà doanh nghiệp nào cũng nên có. Dàn ý cơ bản là lời chào, cảm ơn khách hàng đã quan tâm, lời giới thiệu về doanh nghiệp và các nút bấm CTA (Call to action) để gọi mời khách hàng tương tác. 

Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 5
Mẫu Zalo ZNS chào mừng - Ảnh: Internet

Như vậy, khi có khách hàng nhấn vào tài khoản OA, doanh nghiệp có thể gửi ngay những mẫu ZNS này để gây ấn tượng. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, chủ doanh nghiệp nào hiểu được điều đó sẽ thành công.

Mẫu ZNS liên quan đến đơn hàng

Mẫu ZNS này sẽ phục vụ đúng tâm lý của khách hàng, đó là nỗi sợ thiếu thông tin. Đặc biệt với hàng dễ vỡ hay có giá trị cao, thì xuyên suốt quá trình mua hàng, khách luôn mang tâm lý “lo ngay ngáy” về tình trạng món hàng của mình.

Những thắc mắc thường thấy của họ là: người bán đã giao hàng chưa, đơn hàng hiện đang ở địa điểm nào, bao giờ thì hàng được giao đến nhà mình… Để đáp ứng nhu cầu thông tin đó, một hệ thống thông báo giao vận bằng ZNS là rất cần thiết. 

Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 6
Mẫu ZNS xác nhận đơn hàng - Ảnh: Internet

Mẫu ZNS khảo sát ý kiến khách hàng

Nếu doanh nghiệp muốn khách hàng gắn bó lâu dài, nhất định phải có mẫu ZNS khảo sát sau khi mua. Chăm sóc khách hàng sau mua là một bước rất quan trọng, nhưng đáng tiếc là doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên bỏ qua.

Muốn phát triển dịch vụ mà lại không nghe ý kiến từ chính những khách hàng mà mình đang phục vụ, chẳng phải bất hợp lý hay sao? Chính vì vậy doanh nghiệp mới cần có đơn khảo sát, để tiếp thu cả lời khen lẫn lời chê.

Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 7
Mẫu Zalo ZNS liên quan đến khảo sát - Ảnh: Internet

Mẫu ZNS chúc tụng, cảm ơn…

Đúng vậy, mẫu ZNS chúc tụng, tri ân rất có giá trị trong chăm sóc khách hàng. Trong năm có rất nhiều sự kiện quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu tâm, như dịp lễ, ngày Tết, và đặc biệt là sinh nhật khách hàng. Nếu gửi ZNS vào những ngày này, cảm tình của khách hàng sẽ tăng lên rất nhiều, và sự trung thành với doanh nghiệp cũng tăng theo.

Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 8
Mẫu Zalo ZNS chúc mừng sinh nhật đầy ý nghĩa - Ảnh: Internet

Trên một thị trường cạnh tranh gắt gao, các doanh nghiệp đều đem lại chất lượng sản phẩm ngang ngửa nhau, thì thái độ với khách hàng sẽ tạo nên sự khác biệt rất lớn. 

Xem thêm:
Hướng dẫn cách quét mã QR trên Zalo đơn giản nhất
Hướng dẫn cách tắt mã hóa đầu cuối trên Zalo bằng điện thoại và máy tính
Cách lấy lại mật khẩu Zalo khi quên, mất sim không cần mã

Các bước đăng ký tài khoản Zalo ZNS

Doanh nghiệp tự đăng ký

Nếu như tự đăng ký Zalo ZNS, doanh nghiệp sẽ phải trải qua 9 bước sau:

  • Bước 1: Đăng ký tài khoản Zalo Official Account (Zalo OA)
Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 9
Hãy tạo tài khoản chính thức cho Doanh nghiệp
  • Bước 2: Truy cập trang quản lý OA của Zalo để gửi hồ sơ xác thực. Hãy nhớ là tên OA với thông tin trong hồ sơ xác thực phải trùng nhau.
Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 10
Đây là ví dụ của tài khoản OA đã được xác thực - Ảnh: Internet
  • Bước 3: Doanh nghiệp phải vào tiếp trang Zalo for Developers, tạo ID ứng dụng mới để truy cập API gửi tin.
Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 11
Điền thông tin để tạo ID ứng dụng - Ảnh: Internet
  • Bước 4: Lấy access token. Để giải thích cho đơn giản, access token giống như một chìa khoá đặc biệt cấp riêng cho từng doanh nghiệp, khi họ muốn sử dụng hệ thống Social API.
Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 12
Bạn sẽ được đưa đến màn hình Lấy access token - Ảnh: Internet
  • Bước 5: Kiểm tra kết nối của App và OA. Nếu bạn thấy trên màn hình có nút đỏ “Huỷ liên kết” tức là liên kết đang hoạt động bình thường nhé.
Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 13
Kiểm tra liên kết giữa ứng dụng và OA - Ảnh: Internet
  • Bước 6: Vào trang của Zalo để tạo tài khoản ZCA (Zalo Cloud Account). Nếu bạn chưa hiểu rõ, thì ZCA là tài khoản quản lý số dư để sử dụng các tính năng trả phí của tài khoản OA. Phải có tài khoản ZCA mới gửi thông báo ZNS được.
Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 14
Tạo tài khoản Zalo Cloud Account - Ảnh: Internet
  • Bước 7: Nhấn vào Quản lý tài sản, rồi đến Liên kết OA để liên kết tài khoản OA xác thực với tài khoản ZCA.
Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 15
Liên kết tài khoản OA và ZCA với nhau - Ảnh: Internet
  • Bước 8: Doanh nghiệp cần phải nạp tiền trả trước, do ZNS là dịch vụ gửi thông báo tính phí. Có thể nạp tiền trực tuyến bằng thẻ ngân hàng hay chuyển khoản trực tiếp cũng được.
Zalo ZNS là gì? Mọi doanh nghiệp đều phải biết điều này 16
Bước cuối cùng là nạp tiền để gửi ZNS - Ảnh: Internet

Giờ đây bạn đã có thể bắt đầu tạo các mẫu tin và gửi ZNS đến các khách hàng thân mến của mình!

Doanh nghiệp đăng ký qua một đại lý ủy quyền

Nếu vì lý do thời gian, doanh nghiệp không muốn tự đăng ký ZNS mà thuê đại lý uỷ quyền thì làm thế nào? Nếu vậy, quy trình sẽ diễn ra tinh gọn hơn rất nhiều. 

Doanh nghiệp chỉ cần: tạo tài khoản Zalo OA > kết nối Zalo OA với đại lý > xác thực tài khoản OA > nạp tiền để gửi ZNS. Các bước liên quan đến access token, API, ZCA… đại lý đã nhận làm hết rồi!

Trên đây là lời giải đáp cho toàn bộ những thắc mắc bạn có thể có, như Zalo ZNS là gì, cách đăng ký ZNS và những hình thức ZNS phổ biến. Hãy theo dõi chuyên mục Cuộc sống số của VOH để mở rộng hiểu biết của bạn về những nền tảng số quanh ta!

Bình luận