Chờ...

“Âm tính giả” với vi khuẩn HP nguy hiểm như thế nào?

VOH - Hiện nay có nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau giúp người bệnh biết được bản thân âm tính hay dương tính với vi khuẩn HP.

Câu hỏi: Có những phương pháp nào được áp dụng để kiểm tra nhiễm khuẩn HP trong dạ dày? Vì sao có những trường hợp test HP lại cho ra kết quả “âm tính giả”? Người bệnh có thể gặp phải những nguy hiểm gì nếu bị “âm tính giả” với HP?

Thông tin bài viết được BS Lương Thị Hồng Nhạn, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn chia sẻ.

Các phương pháp kiểm tra vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP gây ra những cơn đau dạ dày cấp và mãn tính, nguy hiểm hơn có thể tiến triển thành ung thư dạ dày. Do đó, việc xét nghiệm vi khuẩn HP là vô cùng cần thiết. Hiện nay, tại các cơ sở y tế có 4 phương pháp phổ biến, bao gồm:

Phương pháp 1: Nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là phương pháp được người bệnh lựa chọn nhiều nhất. Phương pháp này vừa giúp chẩn đoán vi khuẩn HP có trong cơ thể người hay không vừa xác định được tình trạng tổn thương viêm loét dạ dày tá tràng. Đồng thời, đánh giá được vị trí, mức độ tổn thương và diễn tiến bệnh. Từ đó, dễ dàng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân. 

Phương pháp 2: Test hơi thở

Test hơi thở là một phương pháp xét nghiệm không xâm lấn, giá trị chẩn đoán cao trên 95%. Phương pháp này đặc biệt hữu ích đối với những đối tượng đã chữa trị vi khuẩn HP đang cần đánh giá lại hiệu quả điều trị. 

“Âm tính giả” với vi khuẩn HP nguy hiểm như thế nào? 1
Xét nghiệm HP qua hơi thở giúp phát hiện sự có mặt của vi khuẩn HP trong dạ dày hoặc ruột non - Ảnh: Canva

Phương pháp 3: Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân giúp tìm vi khuẩn HP một cách chính xác, chi phí hợp lý. Nhưng phương pháp này lại không cho kết quả nhanh chóng và thực tế nó vô cùng bất tiện vì liên quan đến vấn đề vệ sinh, sự tiện lợi cho cả người bệnh và kỹ thuật viên. 

Phương pháp 4: Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP là phương pháp khá phổ biến trong khoảng thời gian trước. Tuy nhiên, đây không phải là xét nghiệm được ưu tiên vì khả năng “dương tính giả” khá cao. Do vậy, chỉ những cơ sở y tế không có các phương pháp xét nghiệm khác thì mới phải thực hiện loại xét nghiệm này.

Vì sao có trường hợp test HP cho ra kết quả “âm tính giả”?

Thực tế, việc test HP cho ra kết quả “âm tính giả” xảy ra tương đối nhiều. Một số trường hợp khi thực hiện test HP có kết quả “âm tính giả” là do trước khi xét nghiệm, bệnh nhân sử dụng thuốc kháng axit liên tục trong vòng một tuần. Hoặc người bệnh dùng thuốc ức chế bơm proton (thuốc giảm tiết axit) hay các chế phẩm bismuth cũng sẽ làm sai lệch kết quả. Từ đó, ảnh hưởng đến việc chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP thông thường. 

“Âm tính giả” với vi khuẩn HP nguy hiểm như thế nào? 2
Vi khuẩn HP là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất gây ra các bệnh lý của dạ dày - Ảnh: Canva

Thời gian sử dụng thuốc và điều trị cho những đối tượng nhiễm HP vô cùng quan trọng. Chính vì thế, bệnh nhân cần thực hiện đúng chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ để tránh trường hợp test HP cho ra kết quả “âm tính giả”.

Xét nghiệm vi khuẩn HP “âm tính giả” có nguy hiểm không?

Bệnh nhân nhiễm HP có kết quả “âm tính giả” nhưng thực tế lại dương tính với vi khuẩn HP (vi khuẩn HP vẫn còn trong niêm mạc dạ dày) được chia làm 2 nhóm đối tượng.

  • Nhóm đối tượng không có triệu chứng: Bệnh nhân thường không bị ảnh hưởng hay gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe nên chưa cần điều trị. 
  • Nhóm đối tượng có triệu chứng: Những bệnh nhân bị đau bụng hay xuất hiện các triệu chứng bắt buộc đến gặp bác sĩ mà không được điều trị HP kịp thời sẽ gây viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa hoặc tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
“Âm tính giả” với vi khuẩn HP nguy hiểm như thế nào? 3

Đừng quên theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.