Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Bệnh Whitmore có phải do vi khuẩn "ăn thịt người" gây ra không?

VOH - Nhiều người cho rằng, vi khuẩn “ăn thịt người” chính là nguyên nhân gây bệnh Whitmore. Vậy thực tế, Whitmore và vi khuẩn “ăn thịt người” có phải cùng một loại bệnh hay không?

Theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên. Do đó, nó có thể xuất hiện trong nhiều trường hợp, một trong số những bệnh lý thường thấy chính là bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia Pseudomallei gây nên. Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh Whitmore cũng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn da, áp xe, loét ở da…

Tuy nhiên, điểm khác biệt ở vi khuẩn gây bệnh Whitmore so với các loại vi  khuẩn “ăn thịt người” khác là nó làm tổn thương đa nội tạng nhiều hơn. Một số cơ quan nhiễm bệnh thường thấy là: phổi, hệ thần kinh, gan, lá lách và hệ xương khớp. Do đó, bệnh Whitmore được xếp vào hệ thống nhóm bệnh gây tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương da. 

voh-benh-whitmore-co-phai-do-vi-khuan-an-thit-nguoi-gay-ra-khong-3
Whitmore và vi khuẩn "ăn thịt người" giống nhau hay khác nhau? - Ảnh: Internet

Ở một vài giai đoạn vi khuẩn bệnh Whitmore sẽ gây ra một số triệu chứng khá giống với vi khuẩn “ăn thịt người”. Thế nhưng, đa phần người bệnh lại dễ nhầm lẫn triệu chứng bệnh Whitmore với hai bệnh lý là lao phổi và viêm phổi bởi các dấu hiệu như: Ho, đau đầu, sốt, đau ngực, chán ăn. Đây là những biểu hiện rất giống với bệnh viêm phổi.

Khi bệnh Whitmore xâm nhập vào hệ xương khớp hoặc hệ thần kinh, nó sẽ gây ra các triệu chứng như: Suy hô hấp, chướng bụng, đau khớp, rối loạn ý thức. Đôi khi có xuất hiện tình trạng sốt và sụt cân.

Nếu Whitmore có gây ra những tổn thương ngoài da thì ở những vùng tổn thương sẽ xuất hiện trình trạng sưng, đau và gây áp xe.

Những triệu chứng của bệnh Whitmore có thể kéo dài nhiều tuần, tùy vào tình trạng tiếp xúc với vi khuẩn và cơ địa của người bệnh. Đôi lúc, các triệu chứng bệnh Whitmore còn tái đi tái lại nhiều lần và thời gian kéo dài hơn các triệu chứng do vi khuẩn “ăn thịt người” gây ra.

Đối với vi khuẩn “ăn thịt người” thì thông thường trong vòng khoảng 24 tiếng đã xuất hiện những biểu hiện nhiễm khuẩn. Và triệu chứng điển hình nhất là vùng tổn thương hoặc vết thương bị đau nhức dữ dội, có tình trạng đỏ, nóng, sưng đau kéo dài liên tục.

Kèm theo đó là những triệu chứng giống với bệnh cúm, đó là:

  • Đau nhức cơ thể
  • Chóng mặt, khó chịu trong người
  • Sốt nhẹ 
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Khát nước nhiều
benh-whitmore-co-phai-do-vi-khuan-an-thit-nguoi-gay-ra-khong

 Một trong những triệu chứng do vi khuẩn "ăn thịt người" gây ra - Ảnh: Internet

Sau 1 đến 3 ngày, vết thương do vi khuẩn “ăn thịt người” gây ra sẽ chuyển biến với các triệu chứng:

  • Vết thương xuất hiện bọng nước, sưng to, chuyển màu tím (ban màu tím) hay còn gọi là vùng ngoại tử
  • Xuất hiện mùi hôi khó chịu theo mùi đặc trưng từng loại vi khuẩn gây bệnh 
  • Cảm giác khó chịu ở da, bị bong da và tuột da khi hoại thư mô diễn ra
  • Có thể bị sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp, hôn mê

Như vậy, vi khuẩn gây bệnh Whitmore và khuẩn “ăn thịt người” dù đều thuộc nhóm vi khuẩn nhiễm trùng nhưng chúng vẫn có sự khác nhau. Cụ thể, bệnh Whitmore thường sẽ tập trung gây tổn thương ở nội tạng, còn vi khuẩn “ăn thịt người” sẽ gây ra những tổn thương trên da nhiều hơn.

TS.BS Nguyễn Thị Sơn

Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM

voh-vi-khuan-an-thit-nguoi

Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.