Bác sĩ Lê Trung Tuấn, khoa Cấp cứu - Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết, thuốc và thức ăn là hai nguyên nhân thường gặp nhất gây nên phản ứng phản vệ.
Một số loại thuốc dễ gây sốc phản vệ:
- Một số các loại kháng sinh, thường gặp nhất là các kháng sinh nhóm Beta Lactam: Penicillin, Cephalosporin… Những loại kháng sinh này có thể gây ra phản ứng phản vệ, cần được lưu ý khi kê toa cũng như khi bệnh nhân tự mua thuốc để sử dụng.
- Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid: Aspirin, Ibuprofen, Diclofenac... Những loại thuốc này thường được bán ở hiệu thuốc, người có cơ địa dị ứng hay đã từng dị ứng thuốc cần cẩn thận khi sử dụng.
- Một số loại thuốc khác: thuốc gây tê như Lidocain, Procain, thuốc cản quang và một số loại vaccine như vaccine phòng dại, vaccine cúm…
- Dung dịch truyền như Albumin, vitamin, đặc biệt là các vitamin tiêm, truyền tĩnh mạch.

Một số loại thức ăn dễ gây sốc phản vệ:
- Thực phẩm chứa protein: đây là thành phần thường gây ra phản ứng phản vệ nhiều nhất. Chúng ta cần lưu ý đến hải sản (tôm, cua, mực, cá biển…), các loại hạt (đậu phộng, điều, óc chó, hạt nhân…), trứng, sữa.
- Gluten trong lúa mạch, lúa mì.
- Với trường hợp có cơ địa đặc biệt, một số loại trái cây như dâu tây, xoài… cũng có thể gây ra phản ứng phản vệ.
Bác sĩ Lê Trung Tuấn nhấn mạnh, mỗi cơ thể sẽ có nhóm dị nguyên khác nhau. Vì vậy, chúng ta nên cảnh giác khi có phản ứng dị ứng tiếp xúc với những loại thuốc và thức ăn có nguy cơ gây phản vệ, sốc phản vệ.
Bác sĩ Lê Trung Tuấn
Khoa Cấp cứu - Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.