Bệnh Tay Chân Miệng rất dễ lây lan, dễ bùng phát thành dịch. Việc tăng cường phòng ngừa lây nhiễm để ứng phó và kiểm soát dịch bệnh rất cấp bách, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ.
Bệnh Tay Chân Miệng lây nhiễm qua đường nào?
Vi rút Tay Chân Miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, tuyến nước bọt, đường hô hấp (giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi), dịch tiết từ các nốt bọng nước của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh còn lây truyền thông qua phân của em bé bị bệnh, các chất bài tiết của người bệnh trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà…
Làm sao để phòng ngừa bệnh Tay Chân Miệng?
Bệnh Tay Chân Miệng bùng phát mạnh nhất vào giai đoạn chuyển mùa, xuất hiện chủ yếu tại những khu vực đông người. Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa lây nhiễm vi rút gây bệnh bằng các biện pháp đơn giản sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người bị Tay Chân Miệng.
- Khi trẻ bệnh, không cho trẻ đến những nơi đông người như trường học, nhà trẻ...
- Không chọc vỡ các mụn nước, bóng nước trên da bệnh nhân để tránh lây lan.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
- Xử lý kỹ quần áo, khăn, ga giường, chất thải, khử trùng các dụng cụ sinh hoạt của người bệnh.
- Hướng dẫn trẻ che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Tránh ôm, hôn, dùng chung quần áo, vật dụng với trẻ nhiễm bệnh.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ và sau khi sử dụng nhà vệ sinh, thay tã hay tiếp xúc với các bọng nước.
Đừng quên theo dõi VOH Khỏe và các bài viết về bệnh tay chân miệng để cập nhật liên tục những kiến thức mới và hữu ích.