Chờ...

Cách xử trí khi bị rối loạn nhịp tim

VOH - Rối loạn nhịp tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy cần làm gì khi bị rối loạn nhịp tim?

Câu hỏi: Khi phát hiện người có dấu hiệu bị loạn nhịp tim, chúng ta cần xử trí như thế nào? 

Trả lời:

Người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc bệnh lý mãn tính có nguy cơ bị thiếu máu cơ tim. Khi bị thiếu máu cơ tim hoặc tổn thương cấp, các đối tượng này dễ bị rối loạn nhịp tim. 

Khi cơ thể có cảm giác tức ngực, khó thở hoặc tim đập muốn “nhảy” ra khỏi lồng ngực,... Lúc này, bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi, hít thở thật sâu để nhịp tim ổn định trở lại. Đồng thời, báo với gia đình và nhờ người thân hỗ trợ đưa đến bệnh viện khám bệnh để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

Cách xử trí khi bị rối loạn nhịp tim 1
Rối loạn nhịp tim có thể gây ngừng tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ nếu không được xử trí kịp thời - Ảnh: Canva

Câu hỏi: Trong trường hợp, xung quanh không có ai, người bệnh cần làm gì để thuyên giảm các triệu chứng rối loạn nhịp tim?

Trả lời:

Trường hợp bị rối loạn nhịp tim nhưng không có ai bên cạnh, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ. Sau khi ổn định nhịp tim, chúng ta cần phải đi đến các cơ sở chuyên khoa để tái khám. 

Với những trường hợp bị nặng, chúng ta phải lập tức nhập viện điều trị vì rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Nếu không đến bệnh viện kịp thời trong vòng một vài tiếng thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, thậm chí là tử vong.

Câu hỏi: Người bệnh có cần phải nhập viện điều trị không? Vì sao?

Trả lời:

Khi tim có các biểu hiện bất thường, việc đầu tiên chúng ta cần làm là đến ngay bệnh viện để bác sĩ thăm khám kịp thời. Với những đối tượng mắc bệnh lý mãn tính về tim mạch hoặc toàn thân thì cần theo dõi sát sao hơn. 

Vì vậy, nếu cơ thể bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu có khả năng liên quan đến rối loạn nhịp tim, người bệnh nên đi tái khám và nhập viện điều trị để tránh tình trạng bệnh tình diễn tiến nghiêm trọng.

Cách xử trí khi bị rối loạn nhịp tim 2

TS.BS Nguyễn Thị Sơn

Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM

Đừng quên theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.