Chờ...

Cúm B: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

(VOH) – Cúm B là loại cúm thường xảy ra ở người, có mức độ nghiêm trọng thấp hơn cúm A, nhưng trong nhiều trường hợp chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng lây lan nhanh trong cộng động. Có 3 nhóm virus phổ biến nhất gây nên bệnh cúm, đó là: virus cúm A, cúm B và cúm C.

Tuy nhiên, khác với virus cúm A, cúm loại B chỉ truyền từ người sang người. Các triệu chứng cũng ít nghiêm trọng hơn, nhưng đôi khi vẫn có thể gây nguy hiểm với một số nhóm tượng.

Xem thêm: Tìm hiểu về cúm A - loại virus có thể lây lan thành dịch bệnh

1. Cúm B là gì?

Cúm B là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do virus cúm B gây ra. Loại virus này rất dễ lây lan, có khả năng gây dịch bệnh theo mùa, đặc biệt là vào mùa Đông - Xuân.

cum-b-trieu-chung-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-1

Hình ảnh minh họa virus (Nguồn: Internet)

Virus cúm B chỉ có một loại chủng duy nhất và chỉ được tìm thấy ở người. Đây là loại virus lành tính, ít biến đổi về cấu trúc kháng nguyên nên các triệu chứng cúm B thường đơn giản. 

2. Triệu chứng nhiễm cúm B

Các triệu chứng của bệnh cúm B thường nghiêm trọng hơn bệnh cảm lạnh thông thường. Những triệu chứng cúm thường xuất hiện sau 1 – 3 ngày ủ bệnh. Bệnh diễn tiến trong khoảng từ 3 – 5 ngày, sau đó sẽ thuyên giảm.

Một số triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

2.1 Triệu chứng hô hấp

Cũng giống như bệnh cảm lạnh, bệnh cúm B có thể gây ra các triệu chứng ở đường hô hấp. Bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Ho
  • Tắc nghẽn đường thở
  • Viêm họng
  • Sổ mũi và hắt hơi

Tuy nhiên, các triệu chứng đường hô hấp do cúm có thể không nghiêm trọng hơn và dẫn đến các biến chứng về sức khỏe khác. Nếu bạn bị hen suyễn, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp có thể làm nặng thêm các triệu chứng, thậm chí có thể gây ra một đợt hen nghiêm trọng.

2.2 Triệu chứng toàn thân

Triệu chứng phổ biến nhất của của bệnh cúm nói chung là sốt cao (có thể lên đến 41 độ C). Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các biểu hiện khác như:

  • Ớn lạnh
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Đau bụng
  • Mệt mỏi
  • Yếu ớt

cum-b-trieu-chung-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-2

Cơ thể mệt mỏi, sốt cao, sổ mũi luôn là những triệu chứng điển hình của bệnh cúm (Nguồn: Internet)

2.3 Triệu chứng dạ dày

Một số trường hợp người bị nhiễm virus cúm B có thể xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Những triệu chứng này thường gặp nhiều ở trẻ em và dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề ở dạ dày.

Bên cạnh đó, trẻ bị nhiễm virus cúm B còn có thể bị:

  • Buồn nôn
  • Ói mửa
  • Đau bụng
  • Ăn không ngon

Xem thêm: Cảm và cúm khác nhau như thế nào?

3. Điều trị cúm B như thế nào?

Cũng giống như bệnh cúm A, hiện vẫn chưa có biện pháp nào có thể giúp tiêu diệt virus cúm B hoàn toàn.Vì thế, các cách điều trị vẫn tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và nguyên nhân, để người bệnh có thể tự loại bỏ virus.

Chính vì thế, nếu bạn nghi ngờ bị nhiễm cúm B, bạn có thể tự chăm sóc bản thân tại nhà bằng các biện pháp như:

  • Uống nhiều nước để ngăn mất nước
  • Ngủ nhiều hơn để cơ thể được nghỉ ngơi và nạp thêm năng lượng

Phần lớn các triệu chứng cúm B có thể sẽ tự động thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên, với những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm thì cần được thăm khám và hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.

cum-b-trieu-chung-dieu-tri-va-phong-ngua-voh-3

Trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch rất dễ bị virus cúm B tấn công (Nguồn: Internet)

Các nhóm có nguy cơ cao nhiễm cúm là:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi
  • Người già trên 65 tuổi
  • Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh đến 2 tuần
  • Người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc một số bệnh mãn tính

Với những nhóm đối tượng này, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau và thuốc kháng virus để rút ngắn thời gian bị bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn.

4. Cúm B có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị, trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh cúm B có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm phổi
  • Viêm phế quản
  • Suy hô hấp
  • Suy thận
  • Viêm cơ tim hoặc viêm tim
  • Nhiễm trùng huyết

5. Phòng ngừa nhiễm cúm B

Bệnh cúm B hay các loại cúm do virus đều rất khó phòng ngừa, bởi chúng thường “phát tán” theo mùa và lây qua đường hô hấp.

Chính vì thế, cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm virus cúm B chính là tiêm ngừa vắc-xin cúm. Ngoài ra, cần có các biện pháp cách ly với người bị nhiễm bệnh như:

  • Không tụ tập nơi đông người.
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác
  • Mỗi gia đình cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi ho, hắt hơi, trước và sau khi ăn uống.

Cúm B có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn cảm lạnh thông thường. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng này có thể tự khỏi mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bệnh ngày càng nghiêm trọng thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.