Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đau bụng dưới rốn là dấu hiệu của bệnh gì?

(VOH) - Đau bụng dưới rốn là triệu chứng thường, có thể là bệnh nhẹ nhưng cũng có thể là bệnh nghiêm trọng cần cấp cứu ngay. Vì vậy, hãy thận trọng khi triệu chứng này diễn ra thường xuyên.

1. Đau bụng dưới rốn là bệnh gì?

Bụng dưới là vị trí chứa nhiều cơ quan quan trọng như đại tràng, trực tràng, ruột thừa, niệu quản dưới, bàng quang, tiểu khung, phần phụ ở nữ giới (tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng,…) và tiền liệt tuyến ở nam giới. Chính vì vậy, đau bụng dưới rốn ở nam hay đau bụng dưới rốn ở nữ có thể xuất phát từ những cơ quan vừa kể trên.

Hiện tượng đau bụng dưới rốn thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Dưới đây là những vấn đề sức khỏe có thể gây ra triệu chứng đau bụng dưới rốn:

1.1 Đau bụng dưới rốn ở nam giới

  • Rối loạn tiêu hóa

Đau bụng âm ỉ dưới rốn và xuất hiện từng cơn có thể do rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là bệnh nhân bị táo bón, phân đọng trong trực tràng, gây cảm giác đau tức, thậm chí đau thắt vùng bụng dưới.

dau-bung-duoi-ron-la-dau-hieu-cua-benh-gi-voh-1

Nam giới cũng có thể bị đau bụng dưới nhưng ít gặp hơn nữ giới (Nguồn: Internet)

  • Viêm ruột thừa

Đau bụng âm ỉ vùng xung quanh rốn rồi dần dần chuyển sang phần bụng dưới bên phải thường là triệu chứng báo hiệu tình trạng viêm ruột thừa. Đau ruột thừa thường kèm theo sốt, nôn, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, chán ăn, vùng bụng bị sưng,…

Đa số các trường hợp đau ruột thừa cần phải cấp cứu ngay để tiến hành mổ ruột thừa.

  • Viêm bàng quang

Đau bụng dưới, kèm theo triệu chứng tiểu buốt, tiểu nhiều, nước tiểu có màu đục, đôi khi tiểu ra máu là triệu chứng cảnh báo tình trạng viêm bàng quang.

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Tình trạng này có thể gây đau bụng dưới rốn kèm theo nước tiểu đục và có mùi hôi, tiểu buốt.

1.2 Đau bụng dưới rốn ở nữ là bệnh gì?

Đau bụng dưới rốn ở nữ, ngoài những vấn đề sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, viêm bàng quang, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm ruột thừa,…thì có thể do một số căn bệnh sau đây:

dau-bung-duoi-ron-la-dau-hieu-cua-benh-gi-voh-2

Đau bụng dưới rốn ở nữ giới liên quan nhiều đến cơ quan sinh sản (Nguồn: Internet)

  • Do rụng trứng

Khi rụng trứng, buồng trứng thường rụng một quả trứng cùng với một số chất dịch và máu, điều này gây kích ứng niêm mạc của bụng gây ra các chứng đau.

  • Ung nang buồng trứng

Đau bụng dưới rốn ở nữ có thể cảnh báo u nang buồng trứng. U nang buồng trứng thường vô hại nhưng khi u nang ngày càng to, sẽ gây ra đau vùng chậu, tăng cân và đi tiểu thường xuyên.

  • Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, biểu hiện là đau bụng lâm râm dưới rốn có kèm theo tính khí thất thường, nổi mụn trứng cá, nhức đầu, đau bụng, chuột rút. Thay đổi nội tiết (hormone) trong một chu kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

  • Thai ngoài tử cung

Nếu có dấu hiệu mang thai nhưng bị đau bụng dưới rốn thì bạn nên đi khám ngay để kiểm tra. Bởi đây có thể là biểu hiện của hiện tượng mang thai ngoài tử cung.

  • Viêm vòi trứng

Đau bụng dưới rốn kèm đau lưng, khó chịu, mệt mỏi toàn thân, sốt nhẹ, kinh nguyệt không đều,…những triệu chứng này có thể cảnh báo bạn đang bị viêm vòi trứng, cần thăm khám và điều trị ngay.

Như vậy, đau bụng dưới rốn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một số trường hợp có thể hết đau mà không cần điều trị nhưng có trường hợp phải thăm khám và điều trị nhằm chữa dứt điểm nguyên nhân, từ đó cơn đau bụng dưới rốn sẽ biến mất.

2. Đau bụng dưới rốn nên làm gì?

Bụng dưới chứa rất nhiều cơ quan khác nhau, do đó, một khi cơ quan nào đó bị bệnh đều có thể gây đau, thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan khác (sự chèn ép, lây lan mầm bệnh gây viêm nhiễm,…) cũng gây đau. Nếu không am hiểu, tự ý chẩn đoán và điều trị sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Vì thế, dù nam hay nữ, người lớn hay trẻ em bị đau bụng dưới nên đến bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán và chữa trị sớm.

Bình luận