Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng ở người 

VOH - Người nhiễm ký sinh trùng có thể có những biểu hiện dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác. Do đó, chúng ta cần lưu ý để phát hiện và điều trị kịp thời.

Biểu hiện nhiễm ký sinh trùng ở người

Trao đổi với VOH, TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, những biểu hiện do ký sinh trùng gây ra sẽ thay đổi rất nhiều tùy theo loại ký sinh trùng và vị trí gây bệnh. 

Dấu hiệu đầu tiên cũng là dấu hiệu thường gặp và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý ngoài da là ngứa. Nhiều trường hợp đi khám da liễu, điều trị không dứt điểm thì mới nghĩ đến việc bị nhiễm ký sinh trùng.  Lúc đó, có thể ấu trùng của ký sinh trùng đã đi vào những cơ quan tạng phủ.

Triệu chứng nhiễm ký sinh trùng thứ hai có thể gây nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa là đau bụng. Giun, sán đi vào cơ thể có thể khiến chúng ta bị đau bụng, buồn nôn, đầy bụng, ăn không tiêu, táo bón, tiêu chảy kéo dài thậm chí đi ngoài ra máu. 

voh-dau-hieu-nhiem-ky-sinh-trung-va-nhung-tinh-trang-dang-chu-y

Đau bụng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị nhiễm ký sinh trùng - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chia sẻ các dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng thường gặp gồm:

  • Người xanh xao, mệt mỏi giống thiếu máu
  • Thèm ăn, ăn nhiều nhưng vẫn ốm, không tăng cân
  • Ngứa hậu môn
  • Nghiến răng khi ngủ
  • Tâm trạng bất ổn, hay cáu gắt, khó chịu, bồn chồn

Đây là những dấu hiệu mà chúng ta cần lưu ý, nếu thấy có sự thay đổi thì nên đi thăm khám sớm để có thể phát hiện.

Không chủ quan với các bệnh do nhiễm ký sinh trùng

Chia sẻ về những ca bệnh nhiễm ký sinh trùng, TS.BS Nguyễn Thị Sơn cho hay đã từng gặp hai trường hợp đáng chú ý.

Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nữ 45 tuổi, người gầy ốm, bị sụt ký, bụng to, đi khám được chẩn đoán xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, bác sĩ thấy các dấu hiệu của trường hợp này không giống bệnh lý xơ gan.

Kết quả là khi xét nghiệm phát hiện bệnh nhân bị sán lá gan nhỏ. Sau khi được điều trị, người bệnh đã phục hồi. Nguyên nhân gây bệnh cho trường hợp trên đến từ thói quen ăn hải sản sống. Bác sĩ đã nghĩ đến khả năng bị nhiễm sán, từ đó quyết định tiến hành các xét nghiệm cần thiết.

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân hơn 60 tuổi với triệu chứng đau đầu nghiêm trọng và bắt đầu xuất hiện suy giảm trí nhớ. Người bệnh lớn tuổi lại bị xơ vữa động mạch nên khi điều trị bị nhầm lẫn với việc sa sút trí tuệ do tuổi tác cộng với bệnh lý về mạch máu.

Tuy nhiên, sau khi phát hiện bệnh nhân thường có vết ngứa ở da và nhà nuôi nhiều chó, bác sĩ đã làm xét nghiệm để kiểm tra. Kết quả cho thấy người này bị nhiễm ký sinh trùng. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân đã phục hồi trở lại. 

Qua những trường hợp trên, TS.BS Nguyễn Thị Sơn khuyên chúng ta không nên chủ quan, cần lưu ý đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể để đi thăm khám kịp thời. Ngoài ra, nên chú ý đến các thói quen của bản thân đồng thời chia sẻ thông tin với bác sĩ để phục vụ cho việc chẩn đoán.

TS.BS Nguyễn Thị Sơn

Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM

nhiem-ky-sinh-trung-voh
 

Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.

Bình luận